Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Hnubflower và ekip đã cho ra đời dự án tái hiện trang phục của những cộng đồng người H’Mông ở các tỉnh.
Tái hiện trang phục H’Mông truyền thống là dự án giới thiệu đến người xem phục trang của người H’Mông Hoa (Bắc Hà, Lào Cai), H’Mông Lềnh (Mù Cang Chải, Yên Bái), cũng như hòa phối phụ kiện, trang phục của các cộng đồng người H’Mông khác nhau. Đi kèm với y phục là ảnh tư liệu nhiều thời kỳ, giúp người xem có thể nhìn thấy được sự thay đổi của trang phục người H’Mông qua sự tương phản giữa “Ngày ấy... bây giờ.”
Ở bộ trang phục H’Mông Hoa, Hnubflower sử dụng váy và áo có chi tiết hoa văn được làm thủ công trên chất vải xưa, có tuổi đời khoảng 35 năm. Điểm nhấn trên trang phục là phụ kiện kiềng và vòng tay của người H’Mông ở Sapa, phần tóc được bện từ tóc thật kết hợp với len của người H’Mông Hoa ở Lai Châu. Còn với người H’Mông Lềnh, Yên Bái, phần trang phục được lấy hoàn toàn từ bản nguyên mẫu với chất liệu lanh thô dệt thủ công với các họa tiết hoa văn đều được làm bằng tay, đã tồn tại gần 100 năm.
Đặc biệt hơn cả là bộ trang phục thứ ba, là một sự tổng hòa chất liệu của nhiều sắc tộc H’Mông. Trong đó, ta có thể kể đến áo khoác của người H'Mông ở Sapa, chân váy và phụ kiện bạc của người Miêu, yếm được lấy cảm hứng từ nhiều nhóm người H’Mông và bộ móng được lên ý tưởng từ một số hoa văn của người H’Mông Trắng, H’Mông Xanh ở Lào, Thái Lan.
Khi bộ trang phục thứ ba ra mắt, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc, tại sao làm về dân tộc H’Mông nhưng lại sử dụng phụ kiện và cảm hứng từ trang phục của người Miêu, vốn sinh sống chủ yếu Trung Quốc. Đó là vì người H’Mông ở Việt Nam và người Miêu là hai dân tộc cùng hệ, có nguồn gốc từ dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực phía Nam Trung Quốc, nên có sự tương quan về trang phục.
Để tạo nên một dự án vừa có sự đầu tư về hình ảnh và tư liệu, Hnub đã trao dồi kiến thức cho bản thân từ nhiều nguồn khác nhau. Phần vì chính cô cũng là người H'Mông sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, được tiếp thu văn hóa từ nhỏ trong những nhịp sống, sinh hoạt hằng ngày. Phần là cô tự tìm hiểu kiến thức trên Google với thông tin từ trong lẫn ngoài nước. Bên cạnh đó, Hnub còn chủ động kết nối với những người dân ở địa phương, để hiểu hơn về dân tộc đó thông qua sự chia sẻ của “người trong cuộc.”
Người bắt đầu dự án, Hnub, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, với công việc chính là vẽ trên áo dài. Theo lời cô kể, "hnub" trong tiếng H'Mông có nghĩa là "mặt trời," và cái tên Hnubflower mang ý nghĩa một loài hoa luôn hướng về mặt trời. Tiếp xúc lâu với trang phục truyền thống dân tộc Việt Nam đã nung nấu trong Hnub ý tưởng quảng bá trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Cô vẫn luôn đặt cho mình câu hỏi: “Tại sao mình làm về trang phục truyền thống của Việt Nam mà không làm về trang phục của dân tộc mình hay mở rộng ra là trang phục của các dân tộc anh em khác?” Chính câu hỏi đó đã thôi thúc và tạo động lực cho cô đi sưu tầm và quảng bá trang phục của 53 dân tộc đồng bào, với trọng tâm là trang phục dân tộc H’Mông.
Nhìn chung, một bộ trang phục của người H’Mông gồm những phần sau: xà cạp quấn chân, chân váy, yếm (tà trước và tà sau), đai (có một vài nhóm dân tộc không có), áo, mũ. H’Mông là một dân tộc gồm nhiều nhóm nhỏ, sinh sống trải dài từ Trung du miền núi Bắc Bộ đến Tây Nguyên. Và ở mỗi khu vực, trang phục của họ sẽ có những điểm riêng biệt nhất định.
Chẳng hạn, trang phục H’Mông Hoa ở Bắc Hà, Lào Cai khác với trang phục của đa phần người H’Mông ở phần cổ áo và hai tà yếm trước sau. Thay vì cổ áo đứng chữ V như H’Mông Trắng, H’Mông Đỏ, thì H’Mông Hoa ở Lào Cai có cổ áo chéo như Mãn phục thời nhà Thanh, Trung Quốc. Do nguồn gốc người H’Mông là ở Trung Quốc, sau này di dân xuống phía Nam và các nước ở Đông Nam Á nên người dân H’Mông ở những khu vực này chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Mãn phục và Hán phục. Thêm một cách để nhận biết trang phục của người H’Mông Hoa, Lào Cai là hai tà yếm được may với chiều dài đồng nhất, khi mặc, họ sẽ để tà trước dài hơn và tà sau ngắn hơn.
Trang phục H’Mông nổi bật trong mắt người đối diện không chỉ nhờ sự cầu kỳ, màu sắc bắt mắt, mà còn nằm ở họa tiết, đặc biệt là họa tiết sáp ong. Với các mảng hoa văn sáp ong, người H'Mông thường sử dụng các họa tiết riềm ngoài nhỏ li ti, họa tiết chính ở giữa có khổ lớn. Công đoạn chính để tạo nên họa tiết này là vẽ sáp. Khi vẽ, người thợ sẽ chấm bút vào sáp ong nóng, khéo léo kẻ những đường thẳng trên vải. Quá trình này đòi hỏi sáp phải chảy đều, không bị loang lổ.
Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên họa tiết hoàn hảo chính là sự tỉ mỉ và kinh nghiệm của người nghệ nhân. Cũng vì sự tỉ mỉ, chăm chút đó mà thường phải mất cả tuần, cả tháng hay vài tháng mới hoàn thành xong một chiếc váy in hoa văn đủ sắc.
Bên cạnh sự cầu kỳ về họa tiết, để tạo nên một bộ trang phục hoàn chỉnh của người H’Mông, không thể bỏ qua trang sức bạc. Với họ, bạc không chỉ là phụ kiện làm đẹp mà còn là một vật tín ngưỡng, xuất hiện trong nhiều dịp lễ, Tết quan trọng như đám hỏi, đám cưới, làm của hồi môn. Họ cho rằng bạc có tác dụng xua đuổi tà khí, giúp giải và chống độc phong.
Có người đeo bạc đến tuổi trưởng thành, và cũng có người đeo bạc suốt cuộc đời và coi đó như tấm bùa hộ mệnh cho mình. Và với mỗi nhóm sắc tộc H’Mông, người dân cũng có một vài quan niệm khác nhau về bạc. Như với người H’Mông Đen, người phụ nữ đeo hoa tai bạc càng to thì càng khỏe.