Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: 'Comfort food' kiểu Tây chữa lành và phủ phê giữa lòng Bình Thạnh

Comfort food là một khái niệm quen thuộc trong ẩm thực thế giới, nhưng chưa có cụm từ tiếng Việt nào để diễn giải chính xác. 

Hiểu nôm na, đây là những loại thực phẩm giúp giải toả nỗi lòng bằng cách lấy vị ngon ra để trấn áp nỗi buồn. Nhờ mang lại cảm giác lâng lâng tức thời, comfort food có thể được xem là phương thuốc chữa lành cấp tốc cho những lúc “tâm trạng tan hơi chậm một chút,” như khi thất tình, ăn con điểm kém hoặc “bật” sếp không thành công.

Tùy vào khẩu vị và trải nghiệm cá nhân, mỗi người sẽ có những liều thuốc tinh thần khác nhau, nhưng các món comfort food thường có điểm chung là nhiều calo, chất béo, muối và đường. Với người Việt, đó thể là một bát cháo lòng thêm quẩy hoặc một tô bún bò Huế thập cẩm giò, chả, gân.

Khi còn là du học sinh ở trời Tây, một trong những điều làm tôi thấy rất thú vị là việc comfort food ăn sâu vào văn hóa đại chúng ở đây. Một câu hỏi khi làm quen tôi rất hay nghe là “Comfort food yêu thích của bạn là gì?” Nếu hay xem phim nước ngoài, bạn sẽ dễ bắt gặp cảnh tượng nhân vật vừa ngồi khóc, vừa nhồm nhoàm bỏ “thức ăn an ủi” vào miệng. Và vì các nước Tây Âu vốn giàu tài nguyên tinh bột lẫn có sức ảnh hưởng văn hóa, nên kho tàng comfort food đồ sộ của họ — như pizza, pasta hay bánh sandwich, v.v. — cũng du nhập và trở nên phổ biến tại các quốc gia trên thế giới.

Ở Sài Gòn, các quán ăn phục vụ comfort food kiểu Tây như thế không thiếu, nhưng thường có giá cả khá cao so với mặt bằng chung, hoặc có giá bình dân nhưng bị Việt hóa đến mức mất đi độ phủ phê của phiên bản gốc. Thế nên từ khi trở lại Việt Nam, điều làm tôi trăn trở mỗi khi nhớ nhung mùi vị comfort food xứ người là: làm sao để triệt tiêu nỗi buồn mà không quá tổn thất hầu bao? Hành trình tìm câu trả lời đã đưa tôi đến với Ba Hí, một tiệm ăn nhỏ xinh tại phố ăn vặt Vạn Kiếp.

Tín hiệu vũ trụ mời gọi tôi đến Ba Hí chính là biển quảng cáo phần ăn khoai tây bò bằm với mức giá 55.000VND; thoạt nghe thì có vẻ hơi khó tin cho bất kỳ món ăn kiểu Tây đúng điệu nào. Điều làm tôi thích nhất lần đầu đến đây là sự (tương đối) chỉn chu của quán — bàn ghế tươm tất, thùng rác được dọn sạch, chén muỗng nĩa bằng gỗ dừa, và cậu nhân viên nhanh nhảu chỉ dẫn dắt xe — không phải tiêu chuẩn fine-dining, nhưng là một sự khác biệt đáng hoang nghênh so với một số quán vỉa hè khác.

Ba Hí vừa khai trương vào tháng 5/2022 và mới chỉ có một thực đơn nhỏ gồm một số món ăn chính như bánh mì kẹp, salad và khoai tây chiên làm nền, phối hợp cùng cùng những loại protein đi kèm như bò, gà, tôm, trứng và thịt heo xông khói.

Món ăn đặc trưng ở đây là khoai tây chiên, cũng là món comfort food mà tôi yêu thích nhất. Nhiều phần khoai chiên kiểu Việt Nam thường không những không giúp tôi vui lên, mà còn làm bản thân rầu hơn vì hay bị ỉu và hiện diện loe ngoe vài cọng trong vai món phụ, nhưng khoai tây "animal style" của Ba Hí không buồn le lói và không làm tôi thất vọng.

Animal style là kiểu khoai tây chiên “loạn xà ngầu” các loại topping; ở đây là hành tây xào, bắp cải tím, phô mai lát, bò bằm và một lớp sốt. Trộn đều tất cả thành phần này, tôi được thưởng thức một hỗn hợp tràn đầy sự an ủi — khoai tây bùi, hành tây ngọt, bắp cải giòn thêm chút thanh đạm, và phô mai tản chảy kết nối tất cả hương vị ấy lại.

Sandwich cũng là một phần đặc sắc không kém của Ba Hí. Theo cảm nhận cá nhân của tôi, sandwich của quán có phần khá giống burger, chỉ là được thay thế bằng bánh mì lát trắng. Điểm thú vị ở đây là vì Ba Hí có một căn bếp mở, trong lúc đợi chiếc sandwich của mình, bạn có thể xem trực tiếp quá trình nhà bếp chuẩn bị và tạo hình các nguyên liệu. Sẽ cực kỳ thỏa mãn khi được nghe tiếng xẻng lật va leng keng, thấy từng quả trứng được đổ vào khung, lát thịt bò quyện vào phô mai, và hành tây chín xì xèo trên vỉ nướng.

Kết quả của quá trình này là một chiếc sandwich cực kỳ núc ních với lớp bánh mì nướng giòn cùng rau thêm là cà chua và xà lách. Nếu như sandwich bò mang lại cảm giác của một chiếc burger điển hình — béo ngậy, đậm đà vị umami của thịt và hành tây cháy xém giòn tan, thì sandwich gà cay lại mang đến sự bùng cháy nhờ lớp sốt cay tóe lửa. Điều làm tôi ấn tượng nhất là dù được nướng trên vỉ ở nhiệt độ cao khá lâu, nhưng thịt bên trong sandwich không hề bị khô mà vẫn mọng nước và đậm vị.

Sụn gà cũng là một món phụ khá sáng giá và không bị lép vế nhờ lớp bột chiên giòn rùm vui miệng. Tất cả các món đều có thể dùng chung với một loại sốt tự chọn, có thể tùy chỉnh để phù hợp với sở thích hay tâm trạng của bạn — như sốt buffalo cay nồng để thể hiện tình yêu rực lửa với crush; sốt ranch beo béo thơm nhẹ vị tỏi để hạ hỏa cấp tốc từ gà cay; hay sốt honey mustard ngọt nhẹ cho những ai có khẩu vị trong vùng an toàn.

Trò chuyện với chủ quán trong lúc chờ đợi món, tôi biết được rằng cái tên Ba Hí đến từ việc ba cô cậu chủ trẻ đều có mắt hí. Là bạn bè từ những năm cấp hai, cả ba quyết định chung sức sau nhiều năm phát triển bản thân theo các hướng khác nhau, và rồi thành lập tiệm ăn nho nhỏ ven đường này. Việc comfort food xuất hiện trong thực đơn vì nhiều lý do, một phần vì có thành viên từng du học và yêu thích những món ăn này, một phần vì bếp trưởng từng có kinh nghiệm làm việc tại một nhà hàng Âu.

“Bạn ấy cũng rất thích và có kinh nghiệm làm những món Á, như bánh mì, cơm tấm, bún riêu, và đã từng nghĩ đến việc sẽ mở một xe bánh mì truyền thống, nhưng lại dè chừng với việc phải cạnh tranh với những hàng ăn lâu năm, nên đã chuyển hướng sang những món ăn đường phố, trẻ trung hơn và cá tính hơn như khoai tây chiên phủ phô mai và sandwich để có hướng riêng cho mình,” Ba Hí nói.

Tôi nghĩ có lẽ đây là lý do vì sao các món ăn ở đây mang ảnh hưởng Việt Nam, như việc dùng sụn gà và bơ Tường An, nhưng vẫn giữ được tinh thần "phì nhiêu" của comfort food Tây Âu. Với mức giá vừa phải, khẩu phần đầy đặn cùng hương vị vừa quen vừa lạ, tôi tin Ba Hí sẽ là địa điểm hoàn hảo để bạn có những bữa ăn chữa lành tinh thần lẫn chiếc bụng đói.

Ba Hí Sài Gòn mở cửa 3 giờ chiều đến 11 giờ tối.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 3.5/5

Ba Hí Sài Gòn

93 Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh

In bài này
 

Bài viết liên quan

in Ăn

Hẻm Gems: Đến Bún Thang 50 tìm dư vị đất Bắc giữa lòng Phú Nhuận

Là đứa lớn lên ở California, ký ức của tôi về những ngày thơ ấu là loạt hũ nhựa đựng trứng chiên, thịt gà và chả lụa. Cứ mỗi vài tháng, tổ hợp nguyên liệu này được sắp hàng ngay ngắn trong gian b...

in Ăn

Hẻm Gems: Mì xào giòn ngon đến gục ngã của tiệm ăn Dũng Ký

Khi Saigoneer di dời tòa sọan từ trung tâm Quận 1 về Quận 3 vào đầu năm nay, một trong những thay đổi được tòa soạn đón nhận nhất chính là có nhiều lựa chọn ăn uống phù hợp với túi tiền hơn.

in Ăn

Hẻm Gems: Đậm đà hương vị biển cả trong bánh canh hẹ Phú Yên

Từ nhỏ tôi đã là một đứa chẳng ưa gì rau củ, nhưng hành lá là một ngoại lệ đối với tôi. Tôi xem hành như loại gia vị tuyệt vời để tô điểm thêm màu sắc cho món ăn, và nếu vô tình bắt gặp dĩa cơm tấm ha...

in Ăn

Hẻm Gems: Chén cút lộn sốt me ở Bàn Cờ kì diệu giúp người Sài Gòn quên vận xui

Ở Sài Gòn, tôi tin rằng phải là một thiếu sót lớn nếu kể về các món ăn đường phố mà không nhắc đến vịt lộn. Tôi không có số liệu chính xác người Sài Gòn ăn bao nhiêu vịt lộn mỗi năm, hay có bao nhiêu ...

in Ăn

Hẻm Gems: Giải nhiệt với xe sâm bổ lượng hẻm gia truyền và chè trứng cút

Trong ký ức tuổi thơ về những ngày hè oi ả, tôi nhớ mãi hương vị những chén chè mẹ mua để giúp tôi cai nghiện nước ngọt. Trong số đó, chè người Hoa đặc biệt thu hút tôi nhờ cách bày biện độc đáo. Tuy ...

in Ăn

Hẻm Gems: Hương vị Việt-Ấn ở quán bò kho gia truyền 30 năm tuổi

Mùa mưa Sài Gòn, cái lạnh thấm vào từng ngóc ngách của thành phố khiến người ta không khỏi thèm những món ăn nóng hổi. Cơn đói giờ tan tầm khiến tôi chợt thèm ấm áp để xoa dịu cái lạnh từ chiều mưa tầ...