Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Bữa cơm món Hoa đầy đặn trong căn nhà cổ Chợ Lớn

Hẻm Gems: Bữa cơm món Hoa đầy đặn trong căn nhà cổ Chợ Lớn

Vượt ra khỏi hình ảnh quen thuộc của những quán Hoa gia đình thường thấy ở quận 5, An Duyên Chợ Lớn đem đến trải nghiệm ẩm thực vừa thuận mắt, vừa êm mông, và cũng không kém phần ngon miệng.

Thành thật mà nói, tôi có góc nhìn khá cực đoan và cổ hủ về hàng quán Sài Gòn. Trong suy nghĩ rất cảm tính của mình, tôi luôn tin rằng độ lung linh, sạch đẹp của một quán ăn tỉ lệ nghịch với độ ngon của món ăn ở đó. Nhìn lại danh sách địa chỉ nằm lòng trong tâm trí mình và cả những quán được ưa thích nhất thành phố, ta cũng sẽ nhận ra rằng đặt niềm tin vào sự xuề xòa nhưng đông đúc của quán cũng không phải canh bạc quá liều lĩnh. Đối với tôi, không có gì có thể làm bảo chứng cho tiềm năng ẩm thực của một quán bún bằng chiếc vá múc mòn vẹt, chân phục vụ là bé con chủ quán còn mặc đồng phục chưa thay, và sàn nhà gạch bông cáu bẩn từ năm một chín hồi đó đầy khăn giấy, lông mèo, tăm xỉa răng, thân rau thơm bị bứt trơ trọi. Chỉ có những chủ quán với hàng năm trời buôn bán suôn sẻ mới đủ tự tin “sống thật” đến thế. Mỗi vết ố trên trần nhà, mỗi cái chân ghế khập khễnh, mỗi chai tương ớt đặc kẹo trên bàn đều góp phần không nhỏ để nhắn nhủ với thực khách rằng: bún ở đây ngon bổ rẻ đến mức mà thậm chí với vẻ ngoài không chăm chút như thế, khách vẫn trung thành với quán qua bao năm.

Lớn lên gần Chợ Lớn, tôi và gia đình xem những hàng quán bình dân như thế là nhà cho những tối thứ 6 thèm ăn tiệm. Các cô chú chủ quán và hè phố đầy tiếng í ới gọi nhau dang rộng vòng tay đón khách bằng những thức quà hấp dẫn vị giác nhất. Trước khi đặt chân đến địa điểm Hẻm Gems của tuần này, tôi có phần ngờ vực An Duyên Chợ Lớn, dù quán có review khá tốt trên mạng xã hội. Vẻ ngoài hào nhoáng và thiết kế đầy chất “Instagram” của quán dễ khiến người ta liên tưởng đến một góc cà phê được nhào nặn để thu hút giới trẻ đến check in hơn là quán ăn nghiêm túc. Tuy nhiên, An Duyên đã đem lại bất ngờ thích thú cho team Saigoneer nhờ vào menu chắc tay và không gian nhà cổ ấm cúng.

Đồ trang trí nhỏ xinh tạo không khí ấm cúng ở An Duyên.

Thật ra bên trong quán cũng không đầy vẻ sắp đặt như trên mạng xã hội, ta cũng có thể bắt gặp két bia, khay, giẻ lau đây đó trong tầm mắt, tuy nhiên nội thất và cách branding của quán chắc chắn chỉ có thể đến từ cái đầu của một team người trẻ với hiểu biết thị hiếu. Mặt tiền quán bảo đảm sẽ làm hài lòng các thực khách yêu Instagram: bảng hiệu vẽ tay trang nhã với tên quán bằng cả tiếng Việt lẫn Hoa, quầy bar với ánh sáng vàng ấm, và cả chiếc điện thoại quay số trên tường rất phù hợp với làn sóng mỹ cảm Hồng Kông đang trỗi dậy gần đây. Sau khi chụp vài tấm lưu niệm, hãy lên cầu thang, yên vị vào chỗ để chờ đồ ăn tới.

Insta story của khách sẽ nhuốm đỏ bến Thượng Hải.

Phần gác lửng màu đỏ chủ đạo được điểm xuyết bằng nhiều món trang trí đậm chất hoa như lồng đèn, đèn neon hình rồng, và dãy ghế booth dựa tường. Tranh ảnh với hình tượng cô gái mặc sườn xám ngồi nhìn mông lung phủ đầy các mảng tường, xen kẽ vài khung hình trắng đen về kí ức Chợ Lớn xưa. Đám trẻ Sài Gòn sinh ra vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 cùng phim TVB thuyết minh ít nhiều sẽ lớn lên với tình cảm hoài cổ dành cho văn hóa Hồng Kông, thứ mà An Duyên hoàn toàn thấm nhuần.

Tranh ảnh hoài cổ treo trên tường.

Thực đơn ở đây khá dày, bao gồm nhiều phiên bản từ cổ điển tới khá hiện đại của các phong cách ẩm thực khác nhau như Khách Gia, Phúc Kiến, hay Hải Nam. Đặng Quốc Trường, chủ quán An Duyên, cũng là người gốc Triều Châu lớn lên ở quận 6. Danh sách món ăn ở quán đa dạng như thế cũng là vì muốn khái quát ẩm thực Chợ Lớn nói chung chứ không chủ đích muốn tôn lên nét văn hóa vùng miền nào, thể hiện tinh thần đa văn hóa của chính ngôi nhà Chợ Lớn của quán. Tuy thực đơn khá “phồn thực,” các món Saigoneer được dịp thử đều ăn khá ngon, nhưng vài lựa chọn nổi bật hơn cả và chắc chắn sẽ được chúng tôi gọi đi gọi lại hoài, chẳng hạn như đậu hũ An Duyên xốt XO, mực sốt chua ngọt, và đậu hũ rang muối.

Trái: Đậu hũ An Duyên sốt XO. Phải: mực sốt chua ngọt.

Món đậu hũ XO “vơ-đét” nhìn khá đơn điệu ban đầu, chỉ một ụ đậu hũ và sốt nâu cánh gián xung quanh, nhưng chúng tôi nhanh chóng yêu ngay vị đậu hũ non beo béo thanh thanh, là phông nền phù hợp để vị đậm đà của sốt XO tung hoành trên đầu lưỡi. Cứ ăn một muỗng cơm với đậu và sốt, tôi lại càng thấm thía sức mạnh lùa cơm không gì bì được của mấy thứ sốt sền sệt mằn mặn trong văn hóa Á Đông, vị cứu tinh hiệu quả giúp ông cha ta sống qua những tháng ngày kham khổ. Chỉ một thứ nước chấm mặn mòi như chao hay tóp mỡ rim mắm thôi đã làm tốn cơm hơn bao sơn hào hải vị ngoài kia. Dù An Duyên không phục vụ cơm trắng với đậu hũ, chúng tôi cũng phải tiên quyết gọi ngay hai chén.

Cá chẽm rang muối.

Ngoài ra, rang muối cũng là cách chế biến đặc trưng ở An Duyên — nhiều loại đạm, thịt khác nhau được đảo đều trên chảo nóng với hỗn hợp gia vị mặn ngọt. Kiểu rang này có nguồn gốc từ ẩm thực Quảng Đông qua cái tên đậu hũ muối tiêu, nhưng phiên bản ở An Duyên có biến tấu đôi chút bằng tỏi băm, mè và hành lá. Công thức gia vị muối tiêu này ăn rất bắt nên Saigoneer đành phải gọi thêm một đĩa cá rang muối cho đỡ thèm.

Sườn non sốt tàu xì.

Cơm chiên hải sản.

Hủ tiếu xào.

Trước khi đặt chân đến An Duyên lần đầu, tôi đã chạy ngang mặt tiền quán khá nhiều lần trên đường về nhà. Ấn tượng của tôi với ngoại thất quán lúc nào cũng như nhau: biển hiệu nhìn hay hay, nhưng không biết có nên ghé thử hay không, vì từng chi tiết đều có vẻ được bài trí để chụp hình đẹp hơn là ăn ngon. Nhưng bây giờ, sau khi đã ăn một bữa no nê ở đây, tôi chợt nhận ra rằng có lo cũng chẳng để làm gì, vì người đi check in từ từ cũng sẽ vo ve đến chỗ mới mẻ hơn trong thành phố, còn đậu hũ rang muối thì sẽ mãi mãi ở đây chờ tôi đến.

An Duyên Chợ Lớn mở cửa từ 10h sáng đến 2h chiều và 5h chiều đến 9h30 tối.

Đánh giá

Hương vị: 5/5
Giá cả: 3/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5

An Duyên Chợ Lớn

15 Trần Điện, phường 10, quận 5, Tp.HCM

In bài này

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Thách thức giác quan cùng bún cua Gia Lai

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn nuôi một niềm tự hào nho nhỏ rằng mình không phải là đứa kén ăn. Đây là một “đức tính” mà ba mẹ đã rèn giũa cho tôi và các anh chị từ nhỏ, bằng cách tạo cơ hội cho chúng tôi t...

in Ăn

Hẻm Gems: Đến Tiệm Cơm Ninh Giang ngồi giữa hẻm ăn đồ người Hẹ

Tôi biết đến Tiệm Cơm Ninh Giang 寧江客家飯店 qua lời giới thiệu của vài chiến hữu người Hoa.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Giải nhiệt cùng mì lạnh trứ danh của phố người Hàn Quận 7

Như cái cách hai nhân vật chính trong phim tình cảm gặp gỡ lần đầu, những lần đầu của tôi và các món ăn xa lạ thường bắt đầu bằng một tai nạn nào đó khiến tôi phải “nhục như con cá nục.”

in Ăn

Hẻm Gems: Hôm nay Saigoneer đi ăn đâu đó? Hôm nay Saigoneer đi ăn Mô Rứa.

Trong tiếng Huế, mô rứa là một trong nhiều cách diễn đạt rất thường được bắt gặp. Mô có thể được hiểu là đâu, còn rứa có ý nghĩa tương đương với đó. Khi một người Huế nói “Mi đi mô rứa?” họ đang muốn ...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Ngồi tâm tình ở Curry Shika, quán cà ri Nhật 12 năm tuổi trong hẻm Sài Gòn

Trung bình nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể người, nhưng nhiều lúc tôi trộm nghĩ rằng chắc có khi cơ thể mình hết 70% là cà ri, và hơn một nửa trong đó là cà ri Nhật.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Phở gà Kỳ Đồng — 40 năm đông khách và danh xưng Michelin

Nếu một ngày nọ ta lạc trôi ở đất quận 3, cứ tìm đường đến quán phở gà nức tiếng Kỳ Đồng, nơi nghỉ chân xua tan mỏi mệt và xoa dịu cái bụng đói.