Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Mì xào giòn ngon đến gục ngã của tiệm ăn Dũng Ký

Hẻm Gems: Mì xào giòn ngon đến gục ngã của tiệm ăn Dũng Ký

Khi Saigoneer di dời tòa sọan từ trung tâm Quận 1 về Quận 3 vào đầu năm nay, một trong những thay đổi được tòa soạn đón nhận nhất chính là có nhiều lựa chọn ăn uống phù hợp với túi tiền hơn.

Văn phòng cũ có vị trí tiện lợi, ngày ngày đều được ngắm view Nhà thờ Đức Bà sang xịn mịn, nhưng mỗi lần ăn trưa lại là một lần đau đầu vì xung quanh là các nhà hàng đắt đỏ, phục vụ khách du lịch. Từ khi dời đô, câu chuyện ăn trưa của Saigoneer trở nên dễ thở hơn — chỉ cần xỏ dép ra đường đi năm bước là đã có nhiều lựa chọn bình dân để quẹo lựa.

Ngày đầu tiên tại địa chỉ mới trên đường Nguyễn Thông, cả văn phòng đã hớn hở chuẩn bị chiếc bụng đói để khảo sát thị trường quán xá trong khu vực — trong đó là hằng hà sa số các quán bún bò và cơm phần, cùng một quán miến gà lọt danh sách Michelin đã mở cửa ngót nghét 40 năm.

Dũng Ký chỉ cách tòa soạn Saigoneer một vài phút đi bộ.

Dạo quanh một hồi, tôi bỗng thấy mình bị thu hút đến lạ lùng bởi khung cảnh trước cửa tiệm Dũng Ký. Theo quan sát của tôi, những bữa trưa trên đường phố Sài Gòn thường diễn ra trong im lặng, người ăn lẫn người bán đều kiệm lời, hạn chế vận động vì đã dành một nửa sức lực để chống chọi với cái nắng gió khó chịu. Dũng Ký đem lại một cảm giác rất khác. Căn bếp của tiệm tràn ra hè phố, lan tỏa mùi hương của gia vị cùng tiếng va chạm lách cách của kim loại vào không khí. Khách hàng trò chuyện không ngớt, còn nhân viên như dùng hết sinh lực để gọi rõ từng món một đến đầu bếp. Một sự ồn ã, sống động giữa giấc trưa ảm đạm.

Bùng cháy hơn cả tình cảm bạn dành cho crush.

Dũng Ký là quán ăn phục các món ăn chiên xào có nguồn gốc Quảng Đông. Các món ăn được chế biến theo công thức đơn giản không cầu kỳ: có tinh bột như mì hoặc cơm, có đạm như thịt hoặc hải sản, và tất nhiên, rất nhiều dầu mỡ để cho ra được sự phủ phê cần có của những món chiên xào. Các món ăn kiểu Quảng Đông thực ra không khó tìm ở Sài Gòn, nhưng ít phổ biến hơn ở những khu vực xa các quận người Hoa tại Chợ Lớn. Là một người yêu thích những món ăn “phồn thực” kiểu Hoa nhưng lười đi xa, tôi luôn tranh thủ ghé sang Dũng Ký vào những ngày cần nạp nhiều calorie và năng lượng. Ăn nhiều như vậy thì thấy món nào là ngon nhất? Chắc chắn là mì xào giòn.

Không rõ đây là mì trộn topping hay topping trộn mì nữa.

Mì xào giòn được cho là có nguồn gốc từ vùng Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc. Sợi mì làm từ bột mì được chiên ngập dầu đến khi chuyển sang màu vàng nâu, sau đó được chụm lại như tổ chim để làm nền cho những thành phần khác. Trên lý thuyết, người ta có thể thêm thắt bất kỳ nguyên liệu nào vào mì xào giòn, nhưng các công thức truyền thống thì sẽ dùng các loại hải sản làm “topping.” Các loại rau như cải thìa thường được thêm vào để tạo sự cân bằng cho món ăn và giảm độ ngấy và béo. Thành phần quan trọng nhất chính là nước sốt. Từ nước tương, hắc xì dầu, dầu hào, tỏi và các loại gia vị khác, một hỗn hợp sốt đậm đà, đẹp mắt ra đời để bao phủ lấy từng sợi mì.

Những ai mới đến Dũng Ký lần đầu, nhất là những ai định bụng sẽ ăn một bữa trưa nhỏ gọn, có thể sẽ thấy bất ngờ vì khẩu phần khổng lồ ở đây. Được phủ bởi một lớp bong bóng cá, cá viên, thịt bò, tôm và gan dày dặn, một phần mì xào giòn đặc biệt có thể dư sức đủ no cho hai người lớn. Bạn có thể ăn ngay nếu thích xốp giòn, vì sốt chưa thấm vào và mì vẫn giữ nguyên hình dạng gốc, hoặc bạn có thể để mì ngâm trong xốt một lúc nếu muốn ăn sợi mềm. Mỗi một gắp đũa đều mang đến hương vị umami từ nước sốt thấm đẫm trên từng sợi mì. Từng thành phần đua nhau thu hút sự chú ý của đầu lưỡi bạn: mực tươi ngon và dai, bắp cải, hành tây và bông cải giòn giòn, và nếu để trộn sốt đủ lậu, sợi mì sẽ tan ngay trong miệng bạn.

Sợi mì giòn + sốt đậm đà = ngon mê ly.

Theo anh Dũng, chủ của Dũng Ký, món mì xào giòn ở đây hoàn toàn bám sát công thức được truyền qua nhiều thế hệ gia đình anh. Anh Dũng từng phụ việc tại nhà hàng của chị gái trong nhiều năm trước khi mở quán của riêng mình ở đây cách đây 2 năm. “Quận 5 đã có quá nhiều quán rồi. Anh chọn vị trí này vì nó lý tưởng hơn. Mặt bằng thông thoáng, nhiều người đi lại, ít quán cạnh tranh nữa,” anh Dũng nói. Dù tách ra riêng nhưng về cốt lõi, Dũng Ký vẫn là quán ăn gia đình. Anh Dũng giám sát việc chuẩn bị nguyên liệu và vận hành của quán, trong khi cháu trai và em họ của ông đảm nhiệm việc đứng bếp, nơi hai người dang tung hứng nhịp nhàng giữa lửa và khói để mang lại những bữa ăn ngon miệng.

Anh Dũng cũng tiết lộ rằng bí quyết để chế biến ra món mì xào giòn ngon không chỉ nằm ở phần sốt, mà còn ở dụng cụ nấu và chính loại mì. “Cách mình điều khiển lửa rất quan trọng. Lửa phải vừa đúng, nếu quá nóng hoặc không đủ độ thì sẽ không ngon. Tại vậy mà anh phải đặt chảo này từ Trung Quốc về. Việt Nam mình cũng có nhưng mà nó mỏng, mỏng quá thì không đạt đủ nhiệt độ.” Anh lại chỉ tiếp vào một phần mì chưa nấu: “Em sẽ thấy ở những quán khác, sợi mì ở ngoài bị nhũng nhưng ở trong ruột vẫn cứng. Cái mì này thì nó xốp, giống như bánh phồng tôm, khi mà thấm sốt thì nó tan hẳn trong miệng mình. Anh phải đặt hàng riêng ở một tiệm trong Chợ Lớn mới có cái mì này.”

Hủ tiếu mềm + sốt đậm đà = dừng lại ở mức “cũng được.”

Nếu thay sợi mì chiên giòn bằng hủ tiếu mềm, trải nghiệm với món ăn này sẽ thay đổi đáng kể — mì sẽ thấm được nhiều sốt hơn, nhưng nhai không vui miệng bằng và chiếm diện tích của các nguyên liệu khác khi gặp đũa — nên tôi thấy phiên bản này không hút bằng. Thay vào đó, đối thủ lớn nhất của mì xào giòn trong cuộc đua giành danh hiệu món ngon nhất tại Dũng Ký là cơm chiên sụn gà nước mắm. “Thay vì sử dụng cơm đông lạnh, quán sử dụng cơm vừa nấu từ một loại hạt đặc biệt. Cơm không dính lại với nhau mà rất tươi xốp,” anh Dũng chia sẻ. Theo anh, đây là một trong những món bán chạy nhất; không phải ẩm thực Quảng Đông, mà là một sáng tạo mới được anh thêm vào menu của nhà hàng để đáp ứng xu hướng ăn uống hiện nay.

Sụn gà giòn giòn ăn cực hao cơm.

Mặc dù các món ăn khác của Dũng Ký cũng không kém phần ngon miệng, mì xào giòn của quán giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi, không chỉ vì hương vị, mà còn vì một trải nghiệm xấu hổ đến khắc cốt ghi tâm đã ghi danh tôi vào sử sách đường Nguyễn Thông. Câu chuyện diễn ra như sau:

“Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé quàng khăn rằn tên Uyên ở vương quốc Nguyễn Thông. Cô lên đường đi tìm quán ăn nhỏ nhưng danh tiếng là Dũng Ký vì món mì xào giòn hảo hạng nơi đây. Mùi hương của hành xào thơm phức lan tỏa trong không khí, khiến bụng cô đói cồn cào trong ngóng trông. Nhưng, có vẻ như số trời đã định, cô vừa cầm được hộp mì xào giòn trong tay, một sự không lành đã sớm xảy đến. Chỉ trong tức khắc, chân cô trượt đi, toàn thân nhào về phía trước, tay cố vùng vẫy để cố gắng giữ thăng bằng. Người cô nằm sõng soài trên mặt đường. Dân tình chung quanh liền hô hoán, tất cả ánh mắt đều đổ dồn về phía cô. Cô đã vấp phải một vũng dầu mỡ tràn ra từ bếp như cách máu đang trào ra từ đầu gối của cô. Chuyến du ký của cô đã trở thành ví dụ điển hình trong mục ‘tai nạn’ của các sổ tay an toàn lao động. Ngay ngày hôm sau, nhân viên đã đặt tấm biển cảnh báo trơn trượt lên vỉa hè để giúp khách hàng không mắc phải số phận thảm thương tương tự. Mặc dù bị thương, Uyên vẫn chén sạch phần mì xào giòn của mình, và điều vi diệu là cô thấy còn ngon miệng hơn sau sự cố trớ trêu. Có lẽ vì trong thâm tâm, cô biết rằng mình đã hy sinh để hoàn thành sứ mệnh cao cả: ăn cho no bụng — và có như vậy thì té lên té xuống cả trăm lần cũng xứng đáng.”

Cảnh thật việc thật không phải do Saigoneer dàn dựng nha!

Dũng Ký mở cửa từ 10h sáng đến 10h tối.

Đánh giá:

Hương vị: 4.5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 4/5

Dũng Ký

60 Nguyễn Thông, Phường 9, Quận 3, TP. HCM

In bài này

Bài viết liên quan

in Ăn

Hẻm Gems: Chén cút lộn sốt me ở Bàn Cờ kì diệu giúp người Sài Gòn quên vận xui

Ở Sài Gòn, tôi tin rằng phải là một thiếu sót lớn nếu kể về các món ăn đường phố mà không nhắc đến vịt lộn. Tôi không có số liệu chính xác người Sài Gòn ăn bao nhiêu vịt lộn mỗi năm, hay có bao nhiêu ...

in Uống

Hẻm Gems: Passengers có cà phê thuần chay, không khí Đà Lạt và những người bạn bốn chân

Như những Gen Z chính hiệu khác, tôi rất khổ sở khi mắc phải căn bệnh “ra dẻ” mỗi mùa deadline. Vì thế lực thần bí nào đó, tôi thấy mình phải cắm rễ ngày đêm ở tiệm cà phê, như thể đang xin vía năng s...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Phở chua Lạng Sơn chợ Bàn Cờ cho những ngày ‘chán phở thèm phở’

Trong nền ẩm thực Việt Nam, ít có món ăn nào khiến con người ta phải tốn nhiều mực giấy để bình phẩm như phở. Từ tranh cãi về nguồn gốc, đến tôn vinh thành văn vật quốc gia, những cuộc thảo luận về ph...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Thách thức giác quan cùng bún cua Gia Lai

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn nuôi một niềm tự hào nho nhỏ rằng mình không phải là đứa kén ăn. Đây là một “đức tính” mà ba mẹ đã rèn giũa cho tôi và các anh chị từ nhỏ, bằng cách tạo cơ hội cho chúng tôi t...

in Ăn

Hẻm Gems: Đậm đà hương vị biển cả trong bánh canh hẹ Phú Yên

Từ nhỏ tôi đã là một đứa chẳng ưa gì rau củ, nhưng hành lá là một ngoại lệ đối với tôi. Tôi xem hành như loại gia vị tuyệt vời để tô điểm thêm màu sắc cho món ăn, và nếu vô tình bắt gặp dĩa cơm tấm ha...

in Ăn

Hẻm Gems: 'Comfort food' kiểu Tây chữa lành và phủ phê giữa lòng Bình Thạnh

Comfort food là một khái niệm quen thuộc trong ẩm thực thế giới, nhưng chưa có cụm từ tiếng Việt nào để diễn giải chính xác.