Vào cuối năm 1999, Michael Lau, một nhà thiết kế đồ họa Hồng Kông, đã cho ra mắt bộ sưu tập đồ chơi The Gardener do chính anh sáng tạo, với thiết kế lấy cảm hứng từ các nhân vật hành động từ thương hiệu G.I Joe. Đây chính là sự khởi đầu cho một loại hình đồ chơi-nghệ thuật mới mang tên art toy.
Art toy (đồ chơi thiết kế) là dòng sản phẩm đồ chơi nghệ thuật thường được phát hành dưới dạng phiên bản giới hạn. Ngày nay, các công ty lớn trong ngành sản xuất đồ chơi như Medicom và Kidrobot đều gia nhập lĩnh vực này. Họ cho ra mắt các sản phẩm là những nhân vật tưởng tượng riêng, góp phần giới thiệu loại hình đồ chơi-nghệ thuật mới này tới giới sưu tầm nhiều hơn. Trong 20 năm qua, art toy đã chứng minh được độ nóng của mình tại các thị trường lớn như Trung Quốc. Năm 2020, Pop Mart, cửa hàng đồ chơi nghệ thuật lớn nhất đất nước tỷ dân đã bán ra được hơn 5 triệu sản phẩm, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch.
Tại Việt Nam, thế giới art toy còn rất non trẻ do chỉ mới xuất hiện cách đây vài năm. Mãi đến năm 2019, tính cộng đồng của trào lưu art toy trong nước mới được khẳng định khi concept store Cơm Hộp ra đời. Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, Cơm Hộp thường tổ chức các sự kiện và dự án để kết nối nghệ sĩ, người sản xuất, nhà sưu tầm và giới thiệu văn hóa art toy tới người chơi mới. Trong hai năm vừa qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, đơn vị này cũng đã tổ chức bốn mùa triển lãm dưới cái tên Cơm Thập Cẩm để trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ mà Cơm Hộp hợp tác.
Jopus là một nhà thiết kế đồ họa trẻ, theo đuổi art toy từ năm 2018. Anh chia sẻ về cơ duyên biết tới bộ môn này: “Năm 2017, mình và vợ đi du lịch Thái Lan, vô tình lúc đó cũng là khoảng thời gian diễn ra ThaiLand Toy Expo. Mình bị choáng ngợp bởi những sản phẩm art toy tại đó. Ban đầu thì cũng chưa biết gọi nó là gì, cứ nghĩ đơn giản là mô hình. Sau này tìm hiểu kĩ hơn thì mình mới biết chính xác loại hình này là gì, và càng lấn sâu thì càng thấy nó hấp dẫn, vì bản thân mình làm trong ngành đồ hoạ nên rất thích những sản phẩm mang tính sáng tạo cá nhân.”
Cũng như Jopus, làm art toy là nghề tay trái mới của nhiều bạn trẻ trong lĩnh vực sáng tạo. Tuy nhiên, mục đích chính của anh không phải là gây lợi nhuận, mà đơn thuần là thoả mãn niềm đam mê khi được chế tác tỉ mỉ từng tác phẩm. Jopus nói: “Được thoải mái làm điều mình thích, không bị gò bó khuôn mẫu hay bất kỳ thứ gì, nhất là khi được cầm trên tay 'đứa con' của mình, đó là niềm hạnh phúc khó tả.”
Hiện tại, Việt Nam chưa có một cơ sở hay khóa học nào chuyên đào tạo về art toy, nên đa phần người chơi cần tự trang bị kiến thức về đồ họa, tự mày mò, tự học tập và trau dồi để tạo ra tác phẩm riêng của mình. Trò chuyện với Saigoneer, nghệ sĩ The O Room, người có hai năm theo đuổi nghề và bốn mẫu nhân vật mới, chia sẻ: “Với mình, quy trình sáng tạo đến từ sự quan sát, sau đó chắt lọc hình ảnh và chuyển đổi sang hình dáng cụ thể, chỉnh sửa cho đến khi mình ưng ý rồi bắt tay vào sản xuất.”
Có lẽ vì triết lý này mà trong các sáng tạo của The O Room, ta sẽ hay bắt gặp các hình ảnh bình dị, tếu táo trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn như nhân vật Street Dragon, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên. Street Dragon được tạo ra dựa trên những liên tưởng về tổ tiên trong cuộc sống hiện đại, nay đang ngồi ghế nhựa uống trà đá và tán dóc cùng bạn bè.
Anh nói thêm về quy trình mà bản thân áp dụng: “Quá trình sản xuất kéo dài từ việc nặn tay tạo hình nhân vật, sau đó đổ khuôn, đúc resin, xử lý bề mặt, sơn hoàn thiện, cuối cùng là đóng gói. Đối với mình thì công đoạn khó nhất là giữ bản thân đi được đến bước cuối cùng, vì thực sự ở bước nào cũng có áp lực và khó khăn riêng.” Tuy nhiên, anh cũng không quên nhấn mạnh mỗi nghệ sĩ lại sử dụng phương pháp và chất liệu khác nhau.
Ở một thị trường có quy mô khiêm tốn như Việt Nam, các sản phẩm art toy thường mang nhiều giá trị nghệ thuật hơn là kinh tế đối với người chơi. Các tác phẩm thường được làm thủ công bởi chính nghệ sĩ, nên mỗi sản phẩm ra đời thường cũng là một mô hình độc bản. Cầm trên tay một art toy đồng nghĩa với việc sở hữu phiên bản độc nhất của nó.Hiện nay, hầu hết người mua đều là nhà sưu tầm, vì “cùng tần số với người sáng tạo” nên họ sẽ mua art toy để làm đầy bộ sưu tập hoặc trang trí nhà cửa.
Sau khi trò chuyện với bốn nghệ sĩ art toy, tôi ngắm nghía bộ sưu tập của họ hồi lâu và trong đầu nảy lên một suy nghĩ hài hước: “Art toy có lẽ là một trong số ít các loại hình nghệ thuật, sản phẩm khó bị làm giả làm nhái ở Việt Nam.” Bùi Thế Hiển thích làm những sinh vật kỳ dị với những cái lỗ sâu hút; Jopus lại khẳng định sự sáng tạo với “hành tinh bạch tuộc”; The O Room tạo dấu ấn với những hình ảnh đời thường; Thảo Xeko lại gây ấn tượng với các “bé” vừa bầu bĩnh dễ thương lại vừa kỳ cục.
The O Room khẳng định, sự sáng tạo là một trong những thế mạnh của nghệ sĩ art toy Việt Nam: “Dù chưa mạnh, nhưng cộng đồng trong nước vẫn có tiềm năng lớn, vì sự sáng tạo của người Việt không hề thua kém với bất kỳ nghệ sĩ từ thị trường lớn nào. Hơn nữa các bạn nghệ sĩ đều đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại sự đa dạng về đề tài cho sản phẩm.”
Ở thời điểm hiện tại, vẫn là quá sớm để khẳng định tiềm năng thương mại của loại hình sản phẩm này. Đa số các nghệ sĩ cho rằng đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định; người sáng tạo vẫn phải chủ động quảng bá trên trang cá nhân, và hiếm có ai xem đây là nghề tay phải của mình. Thảo Xeko, tác giả của nhân vật Huguu đáng yêu luôn chào đón những cái ôm, bộc bạch: "Theo mình, cộng đồng art toy ở Sài gòn nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa nhận được sự đồng cảm từ khán giả và chỗ đứng xứng đáng cho các giá trị mình tạo ra."
Những hạn chế của cộng đồng "chân ướt chân ráo" này là không thể chối cãi, nhưng nếu nhìn lại những gì mà các nghệ sĩ trẻ đạt được trong hai năm trở lại đây, chúng ta hoàn toàn có lý do để tin vào khả năng của họ: thành lập sân chơi chuyên nghiệp, tổ chức triển lãm thường xuyên, khẳng định được phong cách bản địa, bước đầu chạm ngõ thị trường quốc tế v.v. Mở rộng cộng đồng chắc chắn là điều những người kiến tạo sân chơi cần ưu tiên, nhưng quan trọng không kém là công tác truyền thông để khán giả và nhà sưu tầm nhận định đúng giá trị của các tác phẩm này. Đồ chơi có thể đẹp, có thể là nghệ thuật, nhưng không nhất thiết phải rẻ!