Trần đời mà không có tôm thì cái thú ăn uống cũng buồn tênh. Phải nghĩ đến tôm luộc, tôm nướng, tôm chiên, tôm hấp hay tôm sống thì họa may tôi mới có chút sức sống để vác thân ra khỏi giường.
Mê tôm là thế, thậm chí tôi còn hay tự xưng là “đại gia tôm” mỗi lần ai đó nhầm tôi là thầy giáo tiếng Anh, vậy mà tôi chưa từng một lần tự tay câu tôm. Nghe đến chuyện câu cá, tôi hay tưởng tượng ra cảnh chiều hè thảnh thơi bên bờ ao, bật radio, khui vài lon bia. Còn câu tôm thì trong đầu tôi chỉ hiện lên những chiếc thuyền cào ầm ầm dọc bờ biển, hay mấy đầm tôm tanh nồng giữa miền Tây nắng cháy. Có lẽ cũng vì thế mà những tấm biển “Câu Tôm” ven đường Thanh Đa lại càng khiến tôi thấy hứng thú, không biết trải nghiệm thực tế sẽ khác bao xa với những hình dung trong đầu mình.


Trong tâm trí nhiều người, Thanh Đa vẫn là một góc thành phố bị bỏ quên, mãi mắc kẹt giữa những dự án quy hoạch treo vô thời hạn. Ít ai biết, hồi thế kỷ 20, lính Mỹ từng cho đào một con kênh cắt ngang bán đảo này để tiện vận chuyển. Cũng vì con kênh ấy mà Thanh Đa phần nhiều bị tách biệt, trở thành một chốn “thôn quê” nho nhỏ giữa lòng đô thị.
Thật ra, ở đây không thiếu chỗ để chơi: nào trượt patin, nhậu bên sông, ngồi chòi lá thưởng thức không khí hương đồng cỏ nội, hay ghé mấy trại nuôi ong. Mấy chuyện đó chắc để Saigoneer kỳ khác kể tiếp. Còn lần này, chúng tôi ra Thanh Đa chỉ vì một mục đích: đi câu tôm.


Tụi tôi hoàn toàn có thể đi xe, nhưng Water Bus có trạm dừng ngay Thanh Đa, vé từ Quận 1 cũng rẻ bèo, chỉ 15.000 đồng. Bản thân tôi, dù chẳng có công chuyện gì đặc biệt, cũng đã từng đi tuyến Bạch Đằng-Thanh Đa vô số lần. Mỗi chuyến chỉ 30 phút, ngắn ngủi vậy mà ngồi ngắm cảnh sông hoài cũng không thấy chán. Đi riết nên tôi quen với cái khung cảnh này: ngước nhìn mấy toà cao tầng của Vinhomes Central Park, rừng bê tông cốt thép sừng sững chắn hết cả bờ sông, rồi chỉ biết thở dài. Du thuyền sang chảnh nằm ngay cạnh mấy chiếc sà lan ì ạch chở đầy cát xây dựng. Thế mới thấy Sài Gòn phồn hoa mà vẫn ngổn ngang nhiều bề như vậy.

Dù có bao nhiêu thứ để ngắm khi ngồi Water Bus, tôi vẫn chưa từng thấy sinh vật nào bơi lội dưới sông. Nhưng chắc đâu đó dưới lớp bùn đen vẫn có vài chú Macrobrachium rosenbergii trú ngụ? Loài này tiếng Anh gọi là “giant river prawn,” còn ở Việt Nam thì quen gọi là tôm càng xanh — đặc sản sông rạch khắp Nam Á và Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những loài tôm được nuôi phổ biến nhất, họ hàng với Macrobrachium dienbienphuensis, loài tôm Điện Biên đặc hữu của miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng với tập tính rời sông suối để “đi bộ” trên cạn, quanh thác ghềnh và đập nước. Tên của nó được đặt để tưởng nhớ chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi đi bộ khoảng 30 phút từ bến tàu, khu dân cư và dãy hàng quán trên bán đảo bắt đầu thưa dần. Giữa những rặng dừa, ao hồ xanh rợp cây và vườn tược um tùm là vài quán ăn có dịch vụ câu cá, câu tôm. Nhờ chuyến đi tiền trạm từ tuần trước, tụi tôi quyết định chọn Hồ Câu Tôm – Ẩm Thực Sân Vườn Thanh Đa. Từ ngoài đường nhìn vào đã thấy ngay cái ao lớn lót xi măng, xung quanh là khách ngồi thả cần. Nhạc Vinahouse bật sẵn, may mà âm lượng vẫn dễ chịu khi tụi tôi bước vào.



Tôm ăn gì nhỉ? Tôi chưa bao giờ thật sự nghĩ về chuyện đó. Tất nhiên, tôi hoàn toàn có thể tra Google, nhưng chuyến này thì không cần, vì nhóm tôi đã có sẵn bạn tôi, một chuyên gia về lịch sử hàng hải và khoa học đại dương Việt Nam — David McCaskey, hạy được tụi tôi gọi thân mật là “The Fishman.”
The Fishman nhìn đống mồi bày sẵn trên tấm giẻ cáu bẩn, cạnh cần câu và ghế nhựa quanh ao, rồi nói ngay: đậy là thịt rươi băm nhỏ — cùng loại rươi mà người Hà Nội vẫn dùng để làm món chả rươi trứ danh. Việc của tụi tôi chỉ là móc phần ruột rươi mềm oặt vào hai lưỡi câu, thả xuống ao, rồi ngồi chờ phao nhấp nhô.
Trên lý thuyết, tôi là người rất hợp làm cần thủ bắt tôm: tính tôi điềm đạm, chậm rãi, lại rất mến mộ các loài giáp xác. Nhưng kết quả hôm đó lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại — tôi chẳng câu được con nào. Khôi, tổng biên tập Saigoneer, thì kéo lên được con tôm to nhất tôi từng thấy. The Fishman cũng không hổ danh khi bắt được hai con. Nhưng tất cả chúng tôi đều thua xa một cô bé đến sau, chẳng mặn mà gì với việc câu kéo. Lo ăn vặt rồi la cà với người nhà là chính, vậy mà cô bé chỉ đặt viên gạch chặn cần câu, để đó… rồi câu được ít nhất ba con liên tiếp!



Câu tôm ở đây đúng là hên xui. Mà hên xui, như Kurt Vonnegut từng viết, cũng chỉ là “mấy chuyện tình cờ xảy ra ở chỗ đông người” (trích từ Cat’s Cradle). Tuy không ai thấy được đáy ao, nhưng bên dưới lúc nào cũng có cả đám tôm bơi qua bơi lại, do nhân viên đều đặn thả thêm từ những xô lớn mang ra từ phía sau. Ao nào được “nạp” tôm càng nhiều thì khả năng “tai nạn” xảy ra cũng càng cao — tức là tôm bơi ngang mồi, đớp đại rồi mắc câu, chứ chẳng ai ở đây giỏi giang hơn ai hết.
Chắc họ cũng đã ngầm tính ra một công thức vàng: khách sẽ ngồi chờ bao lâu, khoảng bao nhiêu con tôm sẽ được câu lên, giá tôm bán ra, chi phí nuôi tôm, cộng thêm tiền bia khách gọi. Tất cả chắc đã được canh chỉnh sao cho khách không chờ lâu đến mức nản, nhưng cũng không dễ câu đến mức họ đi về quá sớm. Nhờ vậy, họ biết chính xác khi nào cần bổ sung tôm từ những bể lớn đặt sau cánh cửa có người canh. Tụi tôi cũng tò mò mon men lại gần để xem thử phía sau có gì, nhưng nhân viên liền bước ra xua tay đuổi khéo.
Thật ra, tụi tôi hoàn toàn có thể xin mấy con tôm thả từ bể trong kho ra, đỡ mất công ngồi đây “giả vờ” câu. Toàn bộ cuộc vui này, suy cho cùng, cũng chỉ là một vở kịch mà ai cũng tự nguyện nhập vai. Ai không biết cơ chế hoạt động thì thấy háo hức, còn ai biết rồi thì… cũng giả bộ không biết cho khỏi mất vui.

Vì câu tôm không đòi hỏi phải tập trung cao độ, nên chúng tôi có dư thời gian để tán gẫu. Nhờ vậy, hoạt động này khá hợp cho những buổi cuối tuần cùng gia đình, đồng nghiệp, bạn bè hay người yêu. Ở một thành phố vốn không có quá nhiều lựa chọn vui chơi vừa lạ vừa rẻ, tôi xếp câu tôm khá cao trong danh sách — nhất là nếu kết hợp đi bằng tuyến tàu sông.
Nhìn quanh quán, tôi thấy không chỉ người Việt mà cả các gia đình Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tìm đến đây. Tôi không rõ họ biết chỗ này bằng cách nào, hay điều gì khiến họ thích thú, nhưng chắc phần nào vì không khí ở đây gợi lại cảm giác thôn quê mà phố thị khó có được. Thanh Đa nói chung cũng hay ở điểm đó: khu du lịch Bình Quới thì tái hiện cảnh dã ngoại phọng cách miệt vườn, còn mấy hồ câu ở phía trên là nơi người ta tụm năm tụm ba, người rít điếu thuốc, người tán chuyện rôm rả — cái không khí giản dị dễ khiến tôi liên tưởng đến những buổi chiều thong dong ở miền Tây.


Mỗi con tôm câu được, tụi tôi bỏ vào túi lưới rồi thả ngược xuống hồ cho nó bơi tiếp, giữ tôm tươi đến cuối buổi. Thật ra, ai thích thì có thể dựng luôn bếp nướng ngay cạnh hồ, vừa kéo tôm lên là quẳng lên vỉ nướng liền. Có nhóm chọn cách đó, mấy bàn khác thì gọi hẳn lẩu, đồ nhắm ê hề, cứ vừa ăn vừa câu, vui như tiệc nhỏ.
Còn tụi tôi chỉ tính uống trà đá cho mát. Gọi ba ly, quán mang ra đúng… một cái bình khổng lồ, in hình Aladdin, cắm tá lả ống hút. Ai dè uống trà đá mà cũng “tình” như phim Hàn — vừa hút chung một ly, vừa nhìn nhau, mặt kề mặt, sát rạt. Quá đã rồi hen.



Đến giờ ăn để còn kịp ra bến tàu về lại trung tâm, tụi tôi mới được báo là nếu không câu tiếp thì không được ngồi cạnh hồ nữa. Thế là cả nhóm dọn ra mấy bàn to phía sau, bên hồ cá cảnh. Trong lúc chờ đồ ăn, tụi tôi tranh thủ đi dạo một vòng cho biết.
The Fishman liền chứng minh giá trị: vừa nhìn qua đã nhận ra từng loài rùa mà quán nuôi trong mấy bể tạm bợ rải rác khắp sân, lại còn kiên nhẫn trả lời mấy câu hỏi ngớ ngẩn của tôi (nếu tôi lơ ngơ thò ngón tay vô bể rùa cá sấu Mỹ thì nó sẽ cạp đứt ngay khớp tay tôi đó).
Không hiểu sao quán lại nuôi đủ loại thú thuộc dạng “hàng hiếm” trong giới buôn bán thú cảnh: từ rùa cá sấu Mỹ, rùa cổ dài Úc cho đến cá rồng — loài cá nổi tiếng ở vùng sông Amazon vì có thể phóng lên vồ cả khỉ con đu trên cành thấp.


Lúc đầu ngày, tôi còn mạnh miệng tuyên bố sẽ chỉ ăn những con tôm mình câu được. Kết quả là suýt nữa thì chẳng có miếng nào. May mà mấy đồng nghiệp tốt bụng nhất trí chia đều ba con tôm đã nướng sẵn. Suy cho cùng, sống ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì tôm của người này cũng là tôm của người kia, tôm riêng thành tôm chung hết.
Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi như vậy, tôi ước gì có thể nói mấy con tôm hôm đó ngon xuất sắc. Thật ra thì cũng thường thôi — thịt hơi dai, vị hơi nhạt. Nhưng tôm dở mấy thì vẫn ngon hơn mặt bằng chung, nên cũng chẳng có gì để phàn nàn. Mấy món khác cũng không ấn tượng lắm: bò xào hơi dai, cơm chiên hải sản ổn nhưng không có gì đặc biệt.
Mà tụi tôi đến đây cũng đâu phải để ăn cho bằng được. Cái quan trọng là có một buổi chiều thư giãn, vui vẻ, ngồi bên nhau, cùng hưởng cái thú câu tôm lạ lạ này. Vậy là đủ. Và chắc chắn tôi sẽ quay lại lần nữa.