Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Những người trẻ đam mê thổi hồn vào xác động vật

Những người trẻ đam mê thổi hồn vào xác động vật

Nhắc đến những bộ xương và xác thú, người ta thường hay nghĩ đến những khung cảnh huyền bí, lạnh sống lưng trong các bộ phim kinh dị. Nhưng với cộng đồng chế tác tiêu bản, thể xác của các loài động vật lại là một chất liệu quý giá, giúp tạo nên những tác phẩm độc đáo, xoá nhoà đi lằn ranh giữa sự sống và cái chết.

Công tác làm tiêu bản các loài động vật, thực vật hay vi sinh vật chủ yếu để phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, thường được lưu trữ tại viện bảo tàng; nhưng đôi khi các mẫu vật cũng được trưng bày theo sở thích cá nhân. Tiêu bản tồn tại ở nhiều hình thái đa dạng, đôi khi chỉ là khung xương hay cấu trúc bên trong, đôi khi lưu giữ được toàn bộ mẫu vật giống hệt phiên bản sống. 

Ở Việt Nam, chế tác tiêu bản chủ yếu được sử dụng trong các viện bảo tàng. Hình ảnh chụp bộ sưu tập xác thú hiếm tại Bảo tàng Sinh học Đà Lạt. Ảnh: Michael Tatarski.

Trong nước, chế tác tiêu bản vẫn còn là một công việc và thú vui khá lạ lẫm, một phần vì các mẫu vật ít khi xuất hiện ngoài các viện bảo tàng và các dự án khoa học. Trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm yêu thích tiêu bản ở Việt Nam có khoảng hơn 7.000 thành viên, nhưng số người thực sự đi theo con đường chuyên nghiệp và nghiêm túc có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện tại, Việt Nam chưa có một đơn vị đào tạo chính quy nào dạy quy trình làm tiêu bản. Người nhập môn phải phụ thuộc vào sự hướng dẫn của người đi trước, các nghệ nhân muốn nâng cao kiến thức cũng phải tự thân tìm hiểu mày mò. Tuy vậy, bộ môn khó tiếp cận này vẫn thu hút được nhiều đối tượng tham gia vì tính chất độc lạ và quy trình chế tác công phu. Trong số đó, chúng tôi đã cuộc trao đổi với Quang Hiếu và Thanh Hoa, hai nghệ nhân trẻ tuổi đam mê và hiện kiếm sống với nghề làm tiêu bản, để "khai quật" những thông tin thú vị về cộng đồng này. 

Quang Hiếu bên những tiêu bản xương do mình chế tác.

Quang Hiếu, chàng trai sinh năm 1999, từ lâu đã bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp ma mị cũng như cách săn mồi và tự vệ của loài rắn. Cơ duyên đưa đẩy anh đến với nghề tiêu bản là cũng chính là chú rắn cưng của mình: “Lúc nó chết đi, mình đã nghĩ tại sao không giữ lại phần xương hoàn chỉnh của nó để làm kỷ niệm.”

Hoàn thành được mẫu vật đầu tiên vào khoảng giữa năm 2020, Hiếu nhận ra mình có đủ khả năng và kiên nhẫn nên đã dấn thân vào con đường làm tiêu bản. Chỉ sau một năm, bộ sưu tập của anh đã trở thành một thế giới động vật thu nhỏ, với sự góp mặt của đa dạng các chủng loài, từ những thú cưng quen thuộc như chó, mèo và chim đến những sinh vật ta chỉ hay thấy qua phim tài liệu như kỳ đà, rùa, bạch tuộc, v.v.

Quang Hiếu cho biết, để chế tác được những tiêu bản hoàn hảo nhất, người nghệ nhân phải thu thập mẫu vật ngay sau khi qua đời. Lúc này, xác động vật chưa bị phân huỷ, tạo điều kiện tốt để xử lý. Quang Hiếu khẳng định chỉ chọn những con vật qua đời một cách tự nhiên vì không muốn phải làm hại loài vật nào: “Những người anh em, bạn bè biết mình làm công việc này nên hễ có con vật nào vừa chết thì sẽ thông báo và hỏi mình có muốn lấy không. Nếu có thì họ sẽ chuyển tới cho mình.”

Một bộ xương rắn có nhiều mảnh xương nhỏ và mảnh, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ và kỹ thuật xử lý chuẩn từ người nghệ nhân.

Chia sẻ về quy trình công phu, Quang Hiếu cho biết sẽ bắt đầu bằng việc lọc lớp da của động vật, lấy phần nội tạng, rồi dùng đàn sâu để “khử” hết lớp thịt còn dính trên xương. Đây là công đoạn mà anh chàng miêu tả là tốn thời gian nhất và “bốc mùi khủng khiếp nhất.”

Các mẫu vật trăn rắn thường có xương nhỏ và mảnh.

Tiếp theo, anh sẽ ngâm bộ xương trong hóa chất chuyên dụng qua một đêm rồi tiến hành ghép nối lại cho hoàn chỉnh bằng keo sữa. Tùy độ phức tạp của bộ xương mà anh sẽ mất chừng một đến hai tuần để hoàn thiện. Như vậy, trung bình Quang Hiếu dành ra khoảng một tháng rưỡi cho một tiêu bản xương.

Công đoạn khiến Hiếu phải toát mồ hôi nhất chính là ghép xương. Với các tiêu bản trăn rắn, anh phải cặm cụi lắp từng chiếc xương sườn vào khung xương sống, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cực kỳ cao. Với những mẩu vật có xương nhỏ và mảnh, chỉ cần sơ xuất và mạnh tay một chút cũng có thể khiến tiêu bản bị gãy và mất đi sự toàn vẹn.

"Rất nhiều lần mình bỏ công sức, thời gian dựng tiêu bản nhưng phải chứng kiến cảnh đống xương vụn lả tả trên mặt bàn. Cảm giác buồn, nản không phải không có," Quang Hiếu chia sẻ.

Hai mẫu vật xương sọ khác nhau do Hiếu chế tác.

Ngoài tiêu bản xương (skeletal articulation), thỉnh thoảng Quang Hiếu sẽ đổi gió với dạng tiêu bản định hình (taxidermy). Ở tiêu bản định hình, xác của động vật sẽ được mổ lấy nội tạng, sau đó mang ngâm trong hoá chất để bảo quản, hình dáng bên ngoài được giữ nguyên như ban đầu.

Tuy nhiên, Quang Hiếu nói mình vẫn đam mê tiêu bản xương hơn bởi nhìn vào đó, người ta sẽ hiểu rõ hơn về cấu trúc bên trong của một sinh vật, còn vẻ ngoài của chúng thì ai cũng đã biết. Đôi lúc, anh chàng còn phủ một lớp sơn dạ quang lên tiêu bản để sản phẩm phát sáng trong bóng đêm.

Anh chàng nhìn ra cơ hội để tạo thu nhập từ đam mê và mong muốn tiếp tục theo đuổi bộ môn này sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Digital Marketing tại đại học RMIT. Nguồn ra cho sản phẩm là những người thích sưu tầm tiêu bản hoặc muốn giữ lại phần cốt của thú cưng sau khi chúng qua đời. Quang Hiếu cho biết đã bán được khoảng 50 mẫu vật, sản phẩm cao giá nhất là 5 triệu VND và lợi nhuận thu về khoảng 15%. 

Chiếc sọ loài chó được sơn dạ quang trong một góc phòng của Quang Hiếu.

Mối duyên giữa cô gái tên Hoàng Thanh Hoa và tiêu bản cũng không kém phần thú vị. Năm 2019, Thanh Hoa tốt nghiệp cao đẳng, ngành sư phạm mầm non và rất có thể sẽ trở thành một giáo viên mầm non trong tương lai. Nhưng cô bạn lại tình cờ “lạc bước” vào một hội tiêu bản côn trùng của nước ngoài.

“Khi đó, thật sự mình thấy rất thích và không nghĩ trong thế giới tự nhiên lại có những sinh vật đẹp và sặc sỡ đến như vậy. Mình bị hút vào những tiêu bản đó và nghĩ cách để tạo ra những tiêu bản của riêng mình nên đã bắt đầu tìm tòi và học hỏi.”

Tiêu bản của những con bươm bướm sặc sỡ được Thanh Hoa làm chi tiết và sống động như thật.

Thanh Hoa cho biết mẫu vật yêu thích của cô là các loại bọ cánh cứng và bươm bướm vì “chúng không những xinh đẹp mà còn có nét bí ẩn và rất ‘ngầu.’” Ngoài côn trùng, Thanh Hoa cũng đang thử nghiệm với những loài côn trùng độc lạ hơn là bọ cạp và nhện. Không ít mẫu vật của Thanh Hoa được các trung tâm giáo dục trong khu vực tìm mua để minh họa trong quá trình giảng dạy môn Sinh học. Cô bạn bán các mẫu vật của mình ở tầm giá 180.000–2 triệu VND. 

Thanh Hoa thường bán các tiêu bản cho trường học để giảng dạy môn Sinh học. 

Để làm được một tiêu bản, việc đầu tiên nữ nghệ nhân làm là chọn mua côn trùng khỏe đẹp từ các nguồn cung cấp. Bước thứ hai là xử lý mẫu vật bằng hóa chất để tránh mối mọt và giúp cho mẫu vật bền hơn cả về hình dáng lẫn màu sắc. Tiếp theo, Thanh Hoa sẽ ghim cố định mẫu vật theo ý muốn vào khuôn, sau đó đem mẫu vật đi sấy thật khô rồi gỡ khỏi khuôn và trưng bày.

Cô gái sinh năm 1998 tiếp tục chia sẻ với Saigoneer: “Côn trùng có nhiều loại vô cùng nhỏ bé và mỏng manh, dễ mất màu hoặc gãy rụng râu, chân nếu không xử lý đúng cách. Do đó, mình cần phải cẩn thận và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc làm tiêu bản các loại động vật khác.”

Trong những công đoạn trên, cô cảm thấy việc xử lý mẫu và ghim cố định là hai bước khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo nhất. “Nhiều khi với những mẫu vật nhỏ như những chú ong, mình mất rất nhiều thời gian để ghim cố định sao cho đẹp. Lúc mới tập ghim tiêu bản ong, mình cũng làm hỏng gần chục con rồi mới đúc rút ra được một số kinh nghiệm cho những lần sau đấy.”

Tiêu bản bọ hung được Thanh Hoa phối với tiểu cảnh.

Đưa ra lời khuyên cho những người muốn tìm hiểu về bộ môn này, Quang Hiếu nhận định: “Tố chất đầu tiên mà người làm tiêu bản phải có là kiên nhẫn, cực kỳ kiên nhẫn, chịu được thứ mùi nồng nặc của xác động vật chết và cần thêm một chút khéo tay.”

Thanh Hoa, cũng đồng tình rằng kiên nhẫn chính là đức tính mà nhà chế tác tiêu bản bắt buộc phải có. “Ngoài ra, người làm nghề này còn phải thật sự hiểu biết về từng loại mẫu vật, nếu không thì sẽ không thể cho ra một mẫu vật đẹp và giống bản gốc được.”

Các tác phẩm tiêu bản giúp lưu giữ vẻ đẹp của loài vật ngay cả khi sự sống của chúng không còn. 

Lúc này, cả Quang Hiếu lẫn Thanh Hoa đều đang ấp ủ những dự định mới cho đam mê kiêm nghề nghiệp của mình. Trong khi Hiếu muốn mở thêm các tài khoản mạng xã hội, website và mường tượng tới một buổi triển lãm nho nhỏ thì cô gái ở Bắc Kạn sẽ cho ra mắt một bộ tiểu cảnh mini về những con bọ và bươm bướm. Dù đang gặp phải những cản trở, hạn chế nhất định vì đại dịch, họ vẫn miệt mài và bận rộn với nào xương, nào sọ, nào là nội tạng, lớp da, v.v.  sao cho tiêu bản của mình thật hoàn hảo.

[Ảnh sử dụng trong bài do nhân vật cung cấp]

Bài viết liên quan

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Đời Sống

Chuyện về chú Hai Bạc, người thợ miệt mài sửa Vespa qua 4 thập kỉ thăng trầm

Ở cái tuổi thất tuần, chú Phan Văn Bạc, hay mọi người vẫn thân thương gọi chú là chú Hai Bạc, vẫn ngày ngày làm việc với ốc vít, động cơ, dầu máy để tân trang cho những con xe Vespa và Lambretta cổ. C...

in Văn Hóa

Chuyện về danh họa Nguyễn Cát Tường, người thiết kế nên chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam

Điều gì tạo nên danh tính văn hóa của một quốc gia?