Độ này, cây giáng hương trước vườn ngoại chắc đã đơm những chùm bông “tơi giòn” vàng mỡ gà. Và cũng ít lâu nữa, mấy đứa nhỏ xóm trên xóm dưới lại tụ tập, nhặt từng cánh hoa rơi đem xâu thành cườm cổ, vòng tay.
Vườn nhà ngoại khi lắng đọng, lúc sum vầy, cứ thế mà thênh thang nằm đó bất kể tháng rộng năm dài. Với những gia đình người Việt xưa, thì vườn luôn là một phần gì đó không thể thiếu. Trong kiến trúc nhà truyền thống, nó hiện hữu không phải chỉ để nhìn ngắm, mà gần như là một phần mở rộng của ngôi nhà, nơi các thành viên sinh hoạt, tăng gia và trải qua đủ điều hỉ nộ ái ố. Mảnh đất ở trước hay bên hông nhà ấy, từ bao giờ đã được nâng lên thành không gian tinh thần gần gũi, níu giữ những tâm hồn ngày xưa trong trẻo, ngẩn ngơ.
Trong cuốn sách Văn minh vật chất người Việt, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã so sánh: “[Ở] làng Vân Nam (Trung Quốc), các ngôi nhà bằng đất xây sát vào nhau như một cái thành lớn. Nhà trong làng Việt không bao giờ như vậy, mỗi gia đình một nhà nằm trong một khu vườn” — vườn nói chung là một không gian ngoài trời dùng để trồng trọt, trưng bày hay thường thức nét đẹp mộc mạc của tự nhiên. Riêng nước ta, vườn lại được Việt hóa để tạo nên nét riêng và phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai, văn hóa và lịch sử. Chẳng hạn, rất gần gũi với cuộc sống thường nhật ở thôn quê là giếng khơi, lu nước hay lũy tre, hàng rào bằng chè tàu, râm bụt — những loài thực vật mọc dại nhiệt đới điển hình.
Biên khảo Tản mạn kiến trúc Nam Bộ cũng chỉ ra rằng vườn nhà xuất hiện không chỉ là cảnh đẹp để ngắm mà còn là nơi sinh hoạt thường nhật. Có đoạn viết: “Vườn sau nhà không chỉ là nơi trồng cây, hoa mà nó còn là một không gian sinh hoạt nối dài. Bên dưới tán cây lá, người ta kê những chiếc lu chứa nước và dùng làm khu tắm rửa. Người Việt tắm gội ở vườn trong trạng thái tự nhiên và thoải mái, và tắm vườn không ít lần được lãng mạn hóa qua các loại hình nghệ thuật thị giác và ngôn từ. Như thế, sinh hoạt của người Việt không kết thúc nơi bức tường khép lại mà mở tràn ra cả thiên nhiên bao quanh.”
Vườn nhà ở mỗi miền lại mang đặc trưng của những kiểu nhà điển hình: nhà ba gian, hai chái Bắc bộ nổi bật với sân gạch, chậu cảnh; nhà rường Huế có bình phong, hồ nước; hoặc chiếc cối xay đá, khung cửi cạnh nhà sàn của dân tộc thiểu số vùng cao. Ở Nam bộ trong vườn thường có thêm những cây cầu khỉ bằng tre vắt vẻo qua các mương nước, thách thức các “khách lạ” đến thăm.
“Những mảnh vườn, nơi tăng gia, sinh hoạt và giao tiếp đã trở thành một phần của nhà, vườn không còn chỉ là một khung cảnh, một bức tranh tĩnh, chỉ để ngắm nhìn.”
Nhớ lại bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng, có thể cảm nhận rõ rệt việc vườn và nhà hòa làm một. Cảnh sinh hoạt của các nhân vật gắn liền khu vườn, dường như, không có một ranh giới nào giữa chúng cả. Bà Ty nấu nướng ngoài vườn rồi mang vào trong, cô chủ bước từ gian lớn ra vườn để vào những gian phòng nhỏ. Ngày hè ươm nắng, cậu ba ngồi trước hiên nhà hướng ra vườn nhâm nhi cuốn sách mặc phố xa náo nhiệt bên ngoài. Xung quanh căn nhà cổ đậm nét Á Đông là cây cối xanh mượt, chính lớp hoa lá ấy đã mở rộng sự thoáng đãng cho ngôi nhà, đồng thời bao bọc sự riêng tư và tâm hồn của những phận người không giống nhau.
Có một chi tiết thể hiện sâu sắc nhất về sự kết nối giữa vườn và nhà, đó là ô cửa sổ. Thoạt tiên, nó chỉ đánh dấu sự xuất hiện của khu vườn trong mắt người xem. Thế nhưng sau đó, chẳng còn là một bức tranh tĩnh nữa qua loạt hành động — Mùi từ từ ngồi dậy dưới lớp ánh sáng nhẹ chiếu qua bức màn mỏng, trong khi bên ngoài, bà Ty cúi người qua những tán lá, cắt lấy một trái đu đủ xanh. Bà tiến lại gần ô cửa sổ rồi bắt đầu trò chuyện với Mùi. Lúc này, trong và ngoài nhà hòa làm một, cả mùi hương của nhựa đu đủ mới cắt, cũng ngập tràn khắp nơi không va vướng gì.
Vườn nhà, rộng đến mức chứa cả những buổi trưa hè nắng đổ xuống, đủ để chia làm năm bảy ô phơi lạc, phơi ngô. Chưa kể hai ba giàn bầu sum suê trái, nơi mà lũ trẻ hồi đó làm chỗ ẩn náu chơi đồ hàng. Cũng ở đó, có những bữa cơm chiều yên ả, hay mấy lần đám giỗ, bà con làng xóm lại tụ tập nấu bánh mứt, xôi chè. Đêm đến, vườn lại góp vào bản giao hưởng từ ếch dế, ríu ríu hòa với tiếng hát ru của ngoại à ơi.
Cứ như thế, vườn nhà đã sống đủ và trọn vẹn trong những tháng năm thiếu thời. Nhiều nơi, khu vườn còn chứa đựng sự tôn kính bề trên. Không chỉ có bàn thờ tổ tiên, người dân làm thêm bàn thờ các vị thần tại vườn. Những dịp đặc biệt như lễ Tết, nhang hương được kính cẩn dâng lên bàn thờ trong gian chính, sau đó là bàn thờ trời đất ở ngoài vườn.
Vườn và nhà, hợp thành thể thống nhất và tương trợ nhau, tạo nên phối cảnh hoàn hảo mà không có cảm giác đứt gãy về thị giác hay cảm quan với thiên nhiên. Vậy nên, rất khó để kể về nếp sống sinh hoạt xưa nếu tách rời con người với khu vườn, giữa không gian nội thất với khuôn viên bên ngoài. Ở đô thị, vẫn có những kiểu vườn nhà như thế, song, nó tạo cho chúng ta một cái cảm giác đó chỉ là nơi để nhìn ngắm thì lấy đâu ra cảnh trẻ con tụ tập chơi đùa.
“Vườn nhà ai ngập trong nắng ấm
Tỏa hương thơm hoa cỏ tràn lan”
(Quốc Hưng Nguyên Cao)
Ngày trước còn ở vườn ngoại, lòng rối rít mơ được đặt chân đến những chân trời mới. Lớn rồi lại thấy, thế giới thu bé lại bằng chính mảnh vườn cỏn con. Nơi mà ngày xuân là đủ thứ hoa nở rực, hạ sang nắng rát đổi lại đủ thứ quả ngọt lành. Thêm một mùa nữa, mùa dành riêng cho con dân xứ đất đỏ là mùa của cà phê. Khi “nồng nàn” mùi phân urê bón bầu cây giống, lúc lại ngào ngạt hạt chín rải ra phơi. Cũng ngay tại đây, có đám bạn vô tư giành giật mà không bao giờ hờn dỗi, hay hai hàng nước mắt lăn dài vì đòn roi và những chiều thẫn thờ ngồi trông ngoại đi chợ về.
Đến chuyện cái cây giáng hương vương vãi, cậu lớn tôi bảo chặt đi, nhưng ngoại cương quyết giữ: “Mấy lâu nay ở vẫn đó, chẳng sao! Cũng đủ hiểu rằng, ngoại muốn giữ nó chỉ là một, muốn giữ lại khoảng “hồn” đẹp đẽ mới là mười.