Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Trần Kim Ngọc, người nghệ sĩ tiên phong trong dòng nhạc thể nghiệm và mixed media ở Việt Nam

Khó có thể chỉ dùng một từ để nói về nghệ sĩ Trần Kim Ngọc. Chị là nhạc sĩ dòng nhạc thể nghiệm, người chơi piano cùng nhiều loại nhạc cụ khác, ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn ngẫu hứng, đồng thời chị theo đuổi âm nhạc-sân khấu (music-theater) và mixed media.

Kim Ngọc là người sáng lập Đom Đóm, trung tâm phát triển âm nhạc đương đại và âm nhạc thể nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, cũng là đơn vị tổ chức sự kiện âm nhạc Liên hoan Nhạc mới Hà Nội (Hanoi New Music Festival) cứ mỗi hai năm một lần.

Tự chọn cho mình một phong cách riêng biệt với dòng nhạc đại chúng, đôi khi còn là kẻ độc hành trên con đường sáng tác, Kim Ngọc đã trở thành nhạc sĩ đầu tiên theo đuổi và phát triển việc thực hành âm nhạc thể nghiệm tại Việt Nam. Nhờ vào khả năng kết hợp các yếu tố của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, chị đã đạt được nhiều sự ghi nhận quốc tế với các tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc và thể hiện rõ nét Việt, thu hút một lượng khán giả đông đảo trên toàn thế giới. Với những đóng góp của mình vào sự phát triển của dòng nhạc thể nghiệm nước nhà, chị đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam năm 2019.

Âm nhạc truyền thống qua góc nhìn đương đại

Cuộc sống của Kim Ngọc luôn gắn liền với âm nhạc. Chị là con gái của cố nhạc sĩ Trần Ngọc Sương và có 15 năm theo học nhạc cổ điển, chuyên ngành piano và sáng tác tại Nhạc viên Hà Nội (nay là Học viện Âm Nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, chị tiếp tục sang Cologne, Đức du học, nơi chị được đào tạo sáng tác dưới sự hướng dẫn của nhạc trưởng Johannes Fritzsch và học về trình diễn ngẫu hứng với nghệ sĩ dương cầm Paulo Alvares.

Trong một bài phỏng vấn, chị đã chia sẻ rằng sau khi trở về Việt Nam, chị bắt đầu hành trình xây dựng phong cách thể hiện của riêng mình. Dù tiếp xúc nhiều nhạc cổ điển phương Tây, nhưng khi kết nối trở lại với âm nhạc cổ truyền Việt Nam, mà đối với Kim Ngọc là vừa mới mẻ vừa thân thuộc, thì đó mới là lúc ngôn ngữ âm nhạc của chị được hoàn thiện.

Ảnh: SonX.

Kim Ngọc đã học cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc và dùng chính cảm quan của mình để hiểu được cái hồn của từng loại nhạc cụ. Nhiều sáng tác của chị là sự kết hợp giữa các loại hình sân khấu cổ truyền như tuồng, chèo và các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh.

Dù được học hỏi từ các nghệ sĩ nhạc dân tộc đi trước, chị cũng gặp phải không ít khó khăn, Kim Ngọc chia sẻ rằng: “Nhiều nghệ sĩ đã có tuổi và kiến thức của họ lại không được ghi chép mà chỉ qua truyền miệng.” Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ở các học viện âm nhạc hiện nay lại vô tình hạn chế những nỗ lực bảo tồn âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Âm nhạc, không gian và câu chuyện: “Sân khấu đã ngấm vào trong máu của tôi”

Trong sáng tác, Kim Ngọc sử dụng cả nhạc thính phòng và nhạc giao hưởng, nghệ thuật sắp đặt kết hợp video và âm thanh, nhạc điện tử và trình diễn ngẫu hứng, âm nhạc-sân khấu và mixed media. Các tác phẩm nổi bật nhất của chị đã được trình diễn tại các lễ hội âm nhạc quốc tế như Munich Biennale Festival tại Đức và (Re)Thinking Improvisation Festival tại Thụy Điển.

Là một người làm nhạc, chị tự cho mình là một “kiểu nghệ sĩ cảm tính.” Với chị, sáng tác là một “quá trình hoàn toàn nội tâm” khiến chị được thỏa mãn bản thân, một quá trình không có hình thái cụ thể và “mỗi câu chuyện của từng tác phẩm lại có một hình thái riêng.”

Phong cách nghệ thuật của Kim Ngọc không bị ràng buộc trong một hình thức nào và thể hiện rõ nét qua các tác phẩm âm nhạc-sân khấu, chị nói: “Sân khấu đã ngấm vào trong máu của tôi.” Chị kể rằng tác phẩm âm nhạc-sân khấu đầu tiên của mình (‘Giấc Mơ Đứa Bé Lang Thang’ năm 2000) là kết quả của quá trình “làm theo bản năng,” bởi lúc đó khái niệm âm nhạc-sân khấu với chị còn chưa quen thuộc.

Sau đó, chị sang Đức và có cơ hội gặp gỡ các nghệ sĩ đại diện cho loại hình nghệ thuật này của Đức bao gồm Stockhausen, Heiner Goebbels và Manos Tsangaris. Dù cho rằng âm hưởng phương Tây ít nhiều vẫn xuất hiện trong các tác phẩm của mình, Kim Ngọc cho rằng khó có một từ nào có thể định nghĩa đúng được phong cách âm nhạc mà chị đang thể hiện. Có lẽ, Kim Ngọc khám phá các tiềm năng của âm nhạc thể nghiệm với một tâm hồn phóng khoáng, tự do hơn bất kỳ ai.

Khi được hỏi về ảnh hưởng từ loại hình kịch múa butoh của Nhật trong các tác phẩm, Kim Ngọc cho biết: “Butoh không phải là nguồn cảm hứng trực tiếp của mình; nguồn cảm hứng thực sự được khơi dậy từ tinh thần Phật giáo, bởi vì nó còn liên quan đến quan niệm sống của mình nữa.”

Màn trình diễn của Cao Thanh Lan tại Liên hoan Nhạc mới Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức Tùng/Nguyễn Đức An.

Ngẫu hứng tập thể, cảm hứng tập thể

Khi là một nghệ sĩ trình diễn ngẫu hứng, Kim Ngọc mô tả ngẫu hứng ở đây “giống như chơi bóng bàn, lắng nghe và ứng tác mà không có một sự chuẩn bị nào cả, phải rất tập trung trước phản ứng của người chơi cùng.” Chị giải thích thêm về trình diễn ngẫu hứng tập thể: “Việc trình diễn cùng với những nghệ sĩ khác giống như làm việc nhóm, và mình được tiếp thêm cảm hứng từ cách sáng tác và suy nghĩ của bạn diễn.”

Trong cuộc trò chuyện, chị cũng đề cập tới phương pháp đào tạo trình diễn ngẫu hứng trong âm nhạc thể nghiệm được áp dụng tại Đom Đóm. Các khóa học được xây dựng dựa trên lý tưởng về âm nhạc ngẫu nhiên (aleatoric hay chance music) của những nghệ sĩ nổi bật trong thế kỷ 20 như nhà soạn nhạc người Đức Karlheinz Stockhausen và nhà soạn nhạc người Mỹ John Cage, những người vốn bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đông Nam Á, triết lý Ấn Độ và Thiền Tông. Tuy nhiên, các khóa học của Đom Đóm không cố gắng áp đặt những tư tưởng này. Điều khiến Kim Ngọc ngưỡng mộ dòng nhạc thể nghiệm phương Tây chính là tinh thần “mỗi tác phẩm đều xuất phát từ cá nhân,” và đó là tinh thần mà chị muốn những nghệ sĩ của mình xây dựng.

Tuy nhiên cũng không có nhiều người trẻ thực sự hiểu thế nào là nhạc trình diễn ngẫu hứng dù có thể có những bạn hứng thú với nó, Kim Ngọc cho biết. Vì vậy, trước mỗi buổi biểu diễn, chị đều dành thời gian để giới thiệu về cách thức của dòng nhạc này để mang khán giả đến gần với tác phẩm hơn.

Kim Ngọc chụp cùng các học viên Đom Đóm. Ảnh: Nguyễn Quốc Hoàng Anh.

Đom Đóm: trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm

Sau hai năm nghiên cứu các tổ chức đào tạo và thực hành âm nhạc trong nước, Kim Ngọc đã thành lập Trung tâm  m nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm tại Hà Nội vào năm 2012, một tổ chức độc lập phi lợi nhuận. Là nơi đầu tiên dành cho âm nhạc và nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, Đom Đóm mang đến những chương trình đào tạo mới mẻ, sáng tạo theo phong cách đương đại.

Vậy thì, những nghệ sĩ của Đom Đóm đang đứng ở đâu trên bản đồ âm nhạc đương đại thế giới? Trong các khóa học của mình, họ tập trung vào việc phát triển khả năng nhận thức đa chiều và được giảng dạy qua nhiều công cụ, hình thức sáng tạo khác nhau, từ nhạc cổ truyền cho đến các loại hình đương đại, để họ có thể phát triển ngôn ngữ nghệ thuật cá nhân của mình một cách toàn diện hơn.

Tại Đom Đóm, Kim Ngọc được các học viên và đồng nghiệp gọi thân mật là “chị đại.” Khi dạy học, chị luôn chia sẻ cái nhìn của mình dựa trên mối tương quan giữa âm nhạc theo định nghĩa truyền thống và âm nhạc trong thực hành cá nhân của chị. Còn về việc đào tạo sáng tác, chị đề cao hiệu quả của việc áp dụng tính ngẫu hứng hơn là việc dạy lý thuyết để hiểu được tinh thần sáng tác trong thế kỷ 20. Kim Ngọc cho rằng học về sáng tác ngẫu hứng là cách thực tế nhất và trực diện nhất để người nghệ sĩ “chạm” được vào triết lý của âm nhạc đương đại.

Ngoài việc đào tạo, Đom Đóm còn có các chương trình nghệ sĩ lưu trú, các buổi biểu diễn hàng tháng và nhiều hoạt động cộng đồng khác. Đom Đóm đã góp phần bồi dưỡng và tạo điều kiện phát triển cho một thế hệ nghệ sĩ trẻ như Lương Huệ Trinh (nhạc điện tử), Hương Donna (nhạc dân tộc và nhạc điện tử), Nguyễn Thùy Dung (nghệ sĩ đàn tỳ bà), Phú Phạm (nhạc electro-acoustic) và Nguyễn Đỗ Minh Quân (nhạc điện tử).

Nguyễn Thùy Linh, Alicia De Silva và Lê Duy biểu diễn tại Liên hoan Nhạc mới Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức Tùng/ Nguyễn Đức An

Liên hoan Nhạc mới Hà Nội

Trở về nước vào năm 2009, Kim Ngọc đã quyết định phải tạo ra được một sân chơi dành riêng cho âm nhạc thể nghiệm và mixed media. Liên hoan Nhạc mới Hà Nội được tổ chức hai năm một lần bởi Đom Đóm là nơi trình diễn những tác phẩm âm nhạc của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Chị cho rằng một trong những yếu tố đa sắc màu trong liên hoan này là “sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật sử dụng kết hợp ngôn từ, hình ảnh và ngôn ngữ cơ thể.” Sự kiện cũng là một bước thúc đẩy cho sự phát triển nền âm nhạc thể nghiệm đương đại và góp phần kết nối các nghệ sĩ trong khu vực Đông Nam Á.

Với sức lan tỏa mạnh mẽ, Liên hoan Nhạc mới Hà Nội đã trở thành một hoạt động tiêu biểu trong cộng đồng âm nhạc thể nghiệm đương đại của Việt nam, cũng như khu vực Đông Nam Á. Tại đây, Kim Ngọc đã tạo ra được một hệ sinh thái văn hóa thu hút nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, được đào tạo và chưa qua đào tạo. Trong sự kiện năm 2018, các buổi biểu diễn được đa dạng hóa với nhiều thể loại như nhạc cổ điển đương đại, vở diễn âm nhạc, nhạc điện tử kết hợp nhạc dân tộc. Bên cạnh đó, liên hoan còn tổ chức một buổi tọa đàm để các học giả và nhà nghiên cứu âm nhạc cùng xây dựng tiếng nói của cộng đồng nghệ sĩ Đông Nam Á, một khu vực vốn thường vắng bóng trong các diễn đàn âm nhạc đương đại quốc tế — đây cũng là điều mà nghệ sĩ Kim Ngọc đau đáu và đang dốc lòng dốc sức để tạo ra thay đổi.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

100 năm sân khấu kịch nói Hà Nội: Làm thế nào để viết tiếp những chương vàng son ấy?

Tại Việt Nam, Hà Nội có thể coi là thủ phủ nghệ thuật, hội tụ nhiều loại hình biểu diễn trong đó có kịch nói — một lọai hình nghệ thuật biểu diễn kết tinh tài hoa, bác học, và lịch lãm. Tôi vẫn nhớ nh...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Mê cung trong MV 'Nghĩ Kĩ,' cái bắt tay giữa Fustic. và 22 nghệ sĩ thị giác

Vừa qua, một trong những nhóm nghệ sĩ hình ảnh đình đám nhất Việt Nam, Fustic. đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi ra mắt MV ca nhạc mới với kỹ thuật hình ảnh đỉnh cao được tạo ra bởi 22 nghệ sĩ thị giác trên...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

[Ảnh] Lưu giữ một thời vàng son: Ảnh bìa album Nhạc Vàng trước 1975

Các ảnh bìa album ca nhạc hiện đại với thiết kế đồ họa phức tạp ngày nay chưa chắc đã sánh được với các tác phẩm vẽ tay thời kỳ trước 1975.

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đồng Tháp qua lăng kính anime đầy thơ mộng của họa sĩ Đỗ Minh Hải

Năm 2016, studio Toho đã cho ra mắt một bộ phim hoạt hình viễn tưởng lãng mạn của Nhật Bản với tựa đề “ Tên cậu là gì?”. Bộ phim bom tấn này đã nhanh chóng trở thành một cơn sốt và được khán giả trên ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Hồi Sóng,' nơi hồi sinh, hồi tưởng và tương tác với tiếng nói bị lãng quên trong hai cuộc Thế chiến

Với chất liệu tiền đề là những bản thu âm xưa thuộc Kho lưu trữ âm thanh của Đại học Humboldt (Berlin, Đức), hai nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn và Zach Sch đã đem lại một dự án nghệ th...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Lòng vòng Sài Gòn' cho đỡ nhớ với MV của bộ đôi hip-hop Dick và CHARLES.

Ra mắt trong giai đoạn giãn cách, MV 'Lòng Vòng Sài Gòn' của bộ đôi Dick và CHARLES. như một bức thư tình gửi tới những cung đường đã gắn liền với bao niềm vui và nỗi buồn của người dân thành phố.

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...