Cùng Huy Tạ trả lời câu hỏi lớn của dân thiết kế: "Làm thế nào để sáng tạo hiệu quả hơn?"
Thiết kế đồ họa là "chân ái"
Xuất thân là Á khoa ngành thiết kế tại trường đại học RMIT TP. HCM, Huy Tạ có lẽ không còn là cái tên không xa lạ với cộng đồng thiết kế tại Việt Nam trong những năm gần đây. Nắm trong tay nhiều giải thưởng danh giá như Vietnam Halography, Vietnam Young Lion cùng chứng nhận chuyên gia ở lĩnh vực branding trên cộng đồng Behance, anh được các đồng nghiệp trong giới đánh giá cao về kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn của mình.
Gần đây, anh đã cho ra đời kênh YouTube DAS - Design Anthropology School để chia sẻ những nhận định về chuyên ngành thiết kế cũng như hướng dẫn chi tiết cho những ai muốn "dấn thân" vào lĩnh vực này. Với các vị host dí dỏm và cách khai thác vấn đề mới lạ, kênh đã thu hút được khoảng 52.000 lượt đăng ký dù thuộc nhóm chủ đề ngách.
Không loay hoay trong định hướng công việc, Huy từ lâu đã xem đồ họa là “chân ái” của đời mình. Từ khi còn đi học, Huy đã say mê với việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa của lĩnh vực thiết kế, rèn luyện kĩ năng và đắm chìm vào thế giới riêng mỗi khi được sáng tạo. Sau khi ra trường, anh bắt đầu làm việc tại một công ty quảng cáo rồi chuyển sang hoạt động tự do, hợp tác cùng các đối tác khác nhau trên thế giới.
“Với mỗi dự án, mình lại nghe và học được nhiều kiến thức thú vị. Mình muốn chia sẻ những kiến thức đó với các bạn trẻ đang chập chững tìm hiểu về đồ họa,” Huy bày tỏ. Thế nên anh đã bắt đầu viết blog, sau đó chuyển sang thành lập kênh YouTube để tiếp cận đến nhiều người hơn.
Huy tự nhận bản thân là một người hướng nội, không giỏi trong việc nói chuyện nên thời gian đầu lên sóng hay bị “khớp” trước máy quay. Nhưng sau khi vượt qua khó khăn ban đầu, anh dần biết cách tận hưởng niềm vui của công việc truyền đạt kiến thức hơn. Mỗi video không chỉ là một bài học mà anh muốn chia sẻ cho những người bạn cùng ngành mà còn là cách để Huy ôn lại và học thêm kiến thức về đồ họa. Theo thời gian, các nội dung trên kệnh YouTube của DAS - Design Anthology School cũng ngày càng một đa dạng, trong đó, những video về chủ đề typography luôn nhận được nhiều sự chú ý hơn cả.
Học tư duy đồ hoạ để sáng tạo hiệu quả hơn
Một chủ trương giảng dạy của Huy Tạ là chú trọng việc phổ biến kiến thức về các phong trào nghệ thuật trong lịch sử. Đối với anh, để có thể tạo nên một sản phẩm tốt, người thiết kế cần hiểu về lịch sử ra đời, giá trị văn hóa của từng yếu tố đồ họa dự định đưa vào sử dụng. Huy lấy một ví dụ rằng ngày xưa, bảng hiệu tại Việt Nam đều được các nghệ nhân vẽ tay một cách đồng điệu, chi tiết. Những bảng hiệu đó đẹp bởi bởi người vẽ hiểu được giá trị trong từng cách đi nét của mình, và dành thời gian để hoàn thiện, cải tiến nó cho hợp lý với từng trường hợp khác nhau.
Khi cuộc cách mạng số nổ ra, các phần mềm đồ hoạ dễ dùng bắt đầu được phổ biến đại trà cho mọi người. Điều này khiến việc sản xuất bảng hiệu trở nên dễ dàng hơn, nhưng số lượng bảng hiệu sơ sài, xấu xí cũng từ đó mà xuất hiện dày đặc. Bởi lẽ, những người làm nên chúng không biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa của nét chữ, biểu tượng họ sử dụng, càng không biết chúng có phù hợp với sản phẩm hay rộng hơn là văn hóa đương thời hay không.
"Vì vậy, mình tin, những người yêu thích việc tìm tòi lịch sử văn hóa sẽ thiết kế tốt hơn rất nhiều," Huy khẳng định. Không những vậy, Huy cũng rất chú trọng việc truyền tải vai trò của tư duy đồ họa đối với công việc thiết kế. Theo anh, để tạo nên một tấm poster có thể phục vụ truyền thông cho sự kiện hay nhãn hàng là một bài toán khó, đòi hỏi người thiết kế phải có tư duy đồ họa đầy linh hoạt.
Để hiểu chính xác hơn về tư duy đồ họa, anh chia nó thành ba phân nhánh khác nhau là tư duy thẩm mỹ, tư duy sáng tạo và và tư duy chiến lược. Trong đó, các video của Huy thường tập trung vào phương diện tư duy thẩm mỹ và tư duy sáng tạo, trao đổi các chủ đề từ cách lựa chọn font chữ, màu sắc, bố cục thiết kế đến vấn đề bản quyền v.v.
Riêng với tư duy chiến lược, Huy Tạ không ngần ngại chia sẻ, nhưng giữ quan điểm rằng đây là phương diện cần nhiều trải nghiệm thực tế. Qua đấy, người thiết kế mới có thể đúc kết cách thức xử lý sản phẩm hợp lý nhất, tối ưu hóa hình ảnh của thương hiệu mà mình hợp tác. Nhiều người tưởng rằng, công việc sáng tạo thì luôn phụ thuộc vào cảm hứng, thế nhưng Huy lại không đồng tình với điều đó. Anh khẳng định: “Học gì trong cuộc sống ta cũng cần có tư duy, và đồ hoạ cũng vậy!”
Một vấn đề khác gây nhiều tranh cãi trong triết lý giảng dạy của Huy Tạ đã được nhắc đến qua video “Học đồ họa có cần biết vẽ không?” Đến nay, khi nói về chủ đề này, Huy vẫn kiên định với suy nghĩ của mình rằng: "Về kỹ thuật vẽ có thể chia làm hai loại: vẽ để làm nghệ thuật và vẽ để suy nghĩ ý tưởng. Với một người thiết kế, chỉ cần biết vẽ để lên ý tưởng là đã có thể làm việc hiệu quả. Kĩ năng vẽ chuyên nghiệp như một họa sĩ thì không thực sự cần thiết.” Thế nhưng, vẽ nghệ thuật vẫn là một kĩ năng nhà thiết kế có thể cân nhắc học thêm nhằm bổ trợ cho công việc của mình.
Ngưng design để đi dạy như một người truyền cảm hứng
Thời gian gần đây, tuy vẫn yêu thích lĩnh vực đồ họa nhưng Huy quyết định gác ngang công việc để xây dựng ngôi trường của riêng mình. “Nhìn các bạn học viên phát triển trong tư duy thiết kế mỗi ngày khiến mình cảm thấy hãnh diện về chính bản thân," anh chàng bày tỏ. Huy nung nấu kế hoạch tạo nên một môi trường thiết kế đồ họa lành mạnh hơn, nơi mà các nhà thiết kế có thể mạnh dạn chia sẻ sản phẩm của mình và nhận được những lời nhận xét, góp ý tích cực, thiện chí nhất.
Dù chia sẻ rằng “để vận dụng được tư duy đồ họa thì người học cần sự theo sát, hỗ trợ của giáo viên” nhưng Huy cũng luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của khả năng tự học đối với một nhà thiết kế. Anh chia sẻ: “Xã hội hiện nay thay đổi rất nhanh, nếu không liên tục tự học để cập nhật xu hướng thì sẽ rất khó để theo đuổi thị trường đồ họa." Huy tin rằng, chăm chỉ là tố chất quan trọng nhất để giúp một người trở thành nhà thiết kế giỏi, nên bản thân cũng không cho phép mình ngừng học hỏi.
Những năm gần đây, ngành thiết kế ngày một rộn ràng và đông đúc hơn. Không những vậy, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng phát triển vượt trội khiến ngành thiết kế đối diện với nhiều thay đổi không thể đoán trước được.
Huy phân tích, ngay trong thời điểm hiện tại, AI đã có thể thu thập data để phân tích cảm xúc của con người khi nhìn vào một thiết kế, từ đó chọn ra hướng thiết kế tôi ưu nhất cho việc kinh doanh sản phẩm. Vì vậy, anh khuyến khích những nhà thiết kế trẻ hãy liên tục cập nhật những công nghệ mới, qua đó giữ bản thân mình mới mẻ và luôn bắt kịp với sự phát triển của lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
[Ảnh trong bài viết do nhân vật cung cấp.]