Nhiếp ảnh chiến tranh thường được xem là phương tiện ghi lại những khoảnh khắc chân thực và sống động của chiến trường, giúp người xem cảm nhận được sự khốc liệt của quá khứ. Nhưng điều gì nằm ngoài khung hình đó? Những bức ảnh này được tạo ra nhằm mục đích gì, và dành cho ai?
Hầu hết chúng ta, đặc biệt là những ai lớn lên ở Việt Nam, đều từng bắt gặp vô số bức ảnh và thước phim trắng đen về cuộc kháng chiến chống Mỹ: từ sự khốc liệt nơi chiến trường đến tiếng bom đạn vang vọng trong các bộ phim lịch sử và tài liệu. Dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, những hình ảnh ấy vẫn mang sức ám ảnh, len lỏi trong tâm trí chúng ta ngày nay. Với một số người, hình ảnh chiến tranh dễ dàng khơi gợi cảm xúc mạnh và khiến ta choáng ngợp. Khi đó, thật khó để đủ tỉnh táo mà lắng lại, nhìn sâu hơn vào bối cảnh vựợt ngoài khung hình. Những lịch sử xung quanh dường như bị mờ nhạt đi, như thể chỉ còn lại “sự thật” đang hiện hữu ngay trước mắt.

Hình ảnh triển lãm "Ký Ức Lan Tỏa" tại Dogma Collection.
"Ký Ức Lan Tỏa" – triển lãm mới nhất của Dogma Collection – tập hợp loạt ảnh được chụp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bởi các phóng viên ảnh người nước ngoài và Việt Nam vào những năm 1960 và 1970, bao gồm góc nhìn từ các phóng viên từ cả hai phía ghi lại quang cảnh chiến trường, cũng như cách những hình ảnh ấy được truyền thông khai thác, lan truyền và sự tiếp nhận của công chúng vào thời điểm đó.
Đối thoại với những bức ảnh lịch sử ấy là tác phẩm đương đại của ba nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Phương Linh và An-My Lê từ bộ sưu tập Nguyễn Art Foundation, mang đến cho người xem góc nhìn khác về cách hình ảnh được tiêu thụ trong bối cảnh truyền thông ngày nay, vốn bị chi phối bởi những hệ tư tưởng và mục đích nhất định, đồng thời đặt ra câu hỏi về vị trí của người xem khi đối diện, tiếp nhận và diễn giải lại những hình ảnh ấy trong hiện tại. Triển lãm phối hợp cùng hội thảo “Cảm thấu nhiếp ảnh: Việt Nam & Các Góc Nhìn Nhiếp Ảnh Quốc Tế Mới” (21-28/2/2025), tổ chức bởi Trâm Lương (Trường Đại học Fulbright Việt Nam) và Jacqueline Hoàng Nguyễn (Konstfack & KTH Royal Institute of Technology).

Hình ảnh triển lãm "Ký Ức Lan Tỏa" tại Dogma Collection.
Tựa đề triển lãm được lấy cảm hứng từ tiểu luận "Uses of Photography" (Những chức năng của Nhiếp ảnh) của nhà phê bình nghệ thuật John Berger. Trong tác phẩm này, Berger phản bác quan niệm xem nhiếp ảnh chỉ đơn thuần là phương tiện tuyến tính, chỉ ghi lại một khoảnh khắc hay minh họa cho luận điểm một chiều. Ông cho rằng, nhiếp ảnh cần phản ánh cách ký ức vận hành – bằng một hệ thống lan tỏa từ tâm. Nói cách khác, một bức ảnh nên được cảm nhận và suy ngẫm từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm cá nhân, chính trị, kịch tích, thường ngày và lịch sử.
Trong lời văn triển lãm, giám tuyển Minh Nguyễn nhận định: “Một cách tiếp cận tiềm năng là sắp xếp chúng (những bức ảnh) như một mạng lưới lan tỏa, bên cạnh việc so sánh tương phản những hình ảnh và ý kiến trái chiều, để phá vỡ sự quen thuộc bấy lâu của chúng.”
Xuyên suốt triển lãm, các bức ảnh do phóng viên phương Tây thực hiện được trưng bày cạnh những bức ảnh của các phóng viên Việt Nam, tạo nên sự tương phản về cách tiếp cận, từ bố cục hình ảnh, góc máy, vị trí ghi hình, đến cách mỗi bức ảnh ghi lại và truyền tải trải nghiệm của con người giữa chiến trường.

Hình ảnh triển lãm "Ký Ức Lan Tỏa" tại Dogma Collection.
Những bức ảnh do các phóng viên nước ngoài, đặc biệt là phương Tây thực hiện, chủ yếu tập trung vào hình ảnh lính Mỹ trong lúc tác chiến trên chiến trường, đồng thời ghi lại rõ nét những biểu cảm sợ hãi, mệt mỏi của họ. Khi hình ảnh của bộ đội Việt Nam hay người dân thường xuất hiện trong khung hình, họ thường bị phi nhân hóa: được khắc họa như những nạn nhân của chiến tranh hoặc những người bại trận, nhấn mạnh vào nỗi đau và sự tàn phá. Những bức ảnh này phần lớn được chụp từ phía trận địa của quân đội Mỹ, xoay quanh các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ: từ các cảnh giao tranh ở tầm thấp, những đợt ném bom, lính nhảy dù từ trực thăng cho đến các góc nhìn toàn cảnh thị trấn và chiến trường từ trên không.

Henri Huet (1927-1971). ‘Lính Mỹ nhảy dù, Chiến Khu D’ (15/4/1966).

Hình ảnh triển lãm "Ký Ức Lan Tỏa" tại Dogma Collection.
Ngược lại, những bức ảnh được chụp bởi các phóng viên ảnh Việt Nam thế hệ đầu tiên — phần lớn làm việc cho Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) — mang đến những câu chuyện hoàn toàn khác biệt. Những bức ảnh này tập trung vào cuộc sống hàng ngày của bộ đội và người dân, mang đến sự gần gũi và nhân văn hơn về cuộc sống trong thời chiến, đồng thời quảng bá vẻ đẹp và lý tưởng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh mẽ của cộng đồng, sức chịu đựng và sự đoàn kết được thể hiện rõ, làm nổi tinh thần của người dân khi hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, với niềm tin kiên định vào chiến thắng. Những bức ảnh trong triển lãm này được chụp ở gần mặt đất, căn cứ trong rừng sâu, bệnh viện dã chiến, làng quê, những chiếc xe tải di chuyển trên con đường Hồ Chí Minh, và những khoảnh khắc máy bay địch bị bắn rơi.

Trái: Võ An Khánh (1936-2023). ‘Lớp ca múa nhạc do ban Tuyên truyền huấn khu Tây Nam Bộ mở giữa rừng U Minh trong lúc địch đánh phá’ (1971).
Phải: Tim Page (1944-2022). ‘Goá phụ và người chồng bị tử nạn trong chiến trận đang được di tản tới đường bay Quảng Ngãi’ (Tháng 4/1965).
Khác với các phóng viên ảnh phương Tây có điều kiện sử dụng máy ảnh chất lượng cao, phim tốc độ cao phù hợp với điều kiện ánh sáng yếu, và tự do di chuyển ra khỏi khu vực chiến trường, các phóng viên ảnh Việt Nam được trang bị với rất ít kỹ thuật cơ bản về nhiếp ảnh và phải sống xa gia đình trong nhiều năm để vừa tác nghiệp và vừa phục vụ kháng chiến. Mỗi chuyến đi là là một hành trình dài và nguy hiểm dưới mối đe dọa thường trực của các cuộc không kích, và quá trình rửa ảnh được thực hiện trong những phòng tối được thiết lập trong hầm trú ẩn. Trong khi đó, một lượng lớn ảnh và thước phim chiến trường của các phóng viên phương Tây được chuyển đến các phòng lab chuyên nghiệp hằng ngày qua các chuyến bay thương mại.
Hình ảnh triển lãm "Ký Ức Lan Tỏa" tại Dogma Collection.
Sự khác biệt về nguồn lực, kỹ thuật và chính trị của mỗi bên được thể hiện qua sự đối lập giữa tiêu đề báo chí và hình ảnh được truyền tải bởi các cơ quan truyền thông tương ứng. Trong khi những hình ảnh bạo lực, tàn phá được đăng tải rộng rãi trên các tạp chí như LIFE, với các tiêu đề như “Saigon: Explosion by a Brazen Enemy” (Tạm dịch “Sài Gòn: Vụ nổ do kẻ thù liều lĩnh”), miêu tả sự khắc khổ của binh lính và dân thường trước các vụ tấn công, thì những bức ảnh đăng trên các bản tin Việt Nam — tiêu biểu là từ Xưởng Tranh Cổ Động Trung Ương — lại đi kèm các tiêu đề như “Khí thế lao động mới” hay “Miền Bắc anh hùng thắng Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải” — nhấn mạnh tinh thần kiên cường và ý chí hướng đến thắng lợi.


Nguyễn Trinh Thi. ‘Loạt phong cảnh số 1’ (2013). Bộ sưu tập Nguyễn Art Foundation.
Các tác phẩm của Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Phương Linh và An-My Lê được đặt trong đối thoại với những bức ảnh thời chiến theo câu chuyện triển lãm, và tạo nhịp nối giữa quá khứ và hiện tại. Trong ‘Loạt phong cảnh số 1’ (2013), Nguyễn Trinh Thi tái hiện lại hình ảnh từ các bài báo mạng Việt Nam, mỗi khung hình là từng người đang chỉ tay vào một sự kiện, một địa điểm hay một điều gì đó đã biến mất ở phía xa.
‘Mây hóa thánh’ (2013) của Nguyễn Phương Linh gợi nhắc đến không gian phòng tin tức với nhiều màn hình đồng thời phát sóng, với hình ảnh tưởng chừng như những đám mây màu xanh mềm mại, nhưng thật ra là ảnh chụp những vụ nổ bom trong chiến tranh. Bằng cách tách rời hình ảnh khỏi bối cảnh gốc, các tác phẩm cho thấy người theo dõi truyền thông dễ dàng bị dẫn dắt bởi những thông tin có phần bị bóp méo với mục đích cụ thể, cũng như cách truyền thông đại chúng có thể biến cảnh hủy diệt thành những hình thức trừu tượng dễ tiêu thụ.
Ở phần cuối triển lãm, bộ ảnh khổ lớn trắng đen ‘Chuồng hổ’ từ chuỗi “Những cuộc chiến nhỏ” (1999-2002) của An-My Lê ghi lại những buổi diễn tập chiến tranh của các nhóm yêu thích tái hiện lịch sử tại rừng sâu miền Nam nước Mỹ. Tái hiện lại tính chất của ảnh chiến trường, tác phẩm đặt ra câu hỏi về việc tái diễn lại diễn tập chiến tranh, “đại diện cho một thú vui có phần suy đồi, một hành động giải tỏa cảm xúc ở mức cao trào, hay đơn giản là một cách để đối mặt với những ký ức căng thẳng và đau đớn.”

Nguyễn Phương Linh. ‘Mây hóa thánh’ (2013). In kỹ thuật số UV 195 trên gạch gốm sứ thủ công. Bộ sưu tập Nguyễn Art Foundation.

An-My Lê. ‘Chuồng hổ’ từ chuỗi “Những cuộc chiến nhỏ” (1999-2002). Bộ sưu tập Nguyễn Art Foundation.
Tháng 4 năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày Thống Nhất Đất Nước (30/4/1975). Khắp trung tâm thành phố, nhiều tuyến đường đã được phong tỏa, các sân khấu đang được dựng lên trước Dinh Độc Lập để chuẩn bị cho diễu hành cho ngày kỷ niệm trọng đại này. Trong bối cảnh ấy, và hòa nhịp cùng dấu mốc lịch sử đặc biệt này, triển lãm gợi lại cách mà đất nước ta đã được hình thành qua đầy biến động, chiến tranh và những cuộc cách mạng qua nhiều thế kỷ — nơi biết bao sinh mạng đã ngã xuống để đổi lấy sự bình yên mà ta đang có được hôm nay.


Hình ảnh triển lãm "Ký Ức Lan Tỏa" tại Dogma Collection.
Tuy nhiên, triển lãm không chỉ đơn thuần nói về những bức ảnh chiến tranh, mà là lời chất vấn về mục đích thực sự của nhiếp ảnh thời chiến — khi mọi khoảnh khắc đều được nhìn qua “lăng kính chiến trường.” Trong thế giới mà lịch sử đang lặp lại qua những xung đột đang diễn ra, và hình ảnh ngày được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng số, những bức ảnh chiến tranh trong quá khứ đang phần nào đó đối thoại với hiện tại và tương lai, góp phần định hình ký ức tập thể, bản sắc dân tộc và thế giới quan. Có lẽ, vào lúc này, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: chúng ta lưu giữ ký ức như thế nào, chọn lưu giữ điều gì, và bước tiếp như thế nào từ những ký ức ấy?
Ảnh: Dương Gia Hiếu/Dogma Collection.
"Ký Ức Lan Tỏa" hiện đang được trưng bày tạ Dogma Collection đến ngày 12.06.2025. Thông tin về triển lãm có thể được tìm thêm tại website và trang Facebook.