Sài·gòn·eer

BackXê Dịch » Ao Ta » Triết lý sống và nghệ thuật Lê Bá Đảng qua không gian bảo tàng tại cố đô Huế

Nhiều người cho rằng nghệ thuật là thứ gì đó xa lạ, khó chạm tới, nhưng một khu vườn thì khác; ai cũng biết cách ngắm nhìn một bông hoa.

Khi bước vào Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng ở ngoại ô Huế, du khách sẽ bắt gặp hoa trước khi chạm mắt tới các bức tranh, tác phẩm điêu khắc hay sắp đặt của nghệ sĩ Việt Nam Lê Bá Đảng. Nhưng thật ra, hai phạm trù này chẳng hề tách biệt. Khu vườn rộng lớn dẫn từ cổng lên bảo tàng hoành tráng kia cũng là một phần của nghệ thuật mà bạn đang khám phá. Nghe tiếng lá xào xạc trong gió, ngửi hương thơm dịu dàng của hoa, cảm nhận nắng ấm trên mặt – đó là lúc bạn đang sống trong không gian mà Lê Bá Đảng đã dày công tạo nên. Như lời ông, nơi này là “một tác phẩm nghệ thuật mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng vũ trụ, sống cùng thiên nhiên, hướng về bất tận...”

Chẳng ai tình cờ mà đứng trước cánh cổng đồ sộ của Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng cả. Cách trung tâm thành phố gần 10km, nơi đây nằm ở cuối con đường đất khúc khuỷu, đi ngang qua những ngôi nhà đắt đỏ, những khu đất quý giá. Nếu gọi Grab để tới, hãy nghĩ sẵn cách quay về, vì sẽ không có ứng dụng nào hoạt động khi bạn quyết định rời khỏi đây. Nhưng hãy yên tâm, khoản tiền bạn trả cho tài xế để họ ngồi chờ trong bóng mát sẽ hoàn toàn xứng đáng.

Lê Bá Đảng là ai?

Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng, nói ngắn gọn, là một trong những bảo tàng ấn tượng nhất tại Việt Nam. Khu tổ hợp rộng 16.000m² ở vùng ngoại ô Huế này được dành trọn để tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Lê Bá Đảng. Dù tên tuổi của ông chưa thực sự phổ biến tại quê nhà, những tài liệu viết về ông đủ để bất kỳ ai đắm mình trong mê cung của các bài tiểu sử, phân tích nghệ thuật và đánh giá triển lãm suốt nhiều ngày. Với bảo tàng này, bạn sẽ có cơ hội khám phá một bức tranh toàn diện về cuộc đời và tầm nhìn nghệ thuật của ông.

Tất nhiên, đến đây mà không chuẩn bị trước cũng có cái thú riêng, nhưng nếu biết đôi chút về quan niệm của ông, bạn sẽ cảm nhận mọi thứ trọn vẹn hơn. Như ông từng chia sẻ: "Nghệ thuật không chỉ dành riêng cho một số người có phương tiện mua tranh, mua tượng, hoặc nằm bất động trong viện bảo tàng, mà phải di động, hòa hợp với thiên nhiên, đến với con người, đi vào cuộc sống."

Sinh năm 1921 tại Quảng Trị trong một gia đình khá giả, từ nhỏ ông đã mang trong mình khao khát phiêu lưu. Năm 2005, ông từng viết: “Từ đứa trẻ con muốn kiếm đường thoát ra khỏi chốn đồng khô cỏ cháy cho đến hôm nay là một chặng đường dài giăng giẳng.” Dù bị cha ngăn cản, ông vẫn tình nguyện tham gia làm lao công cho quân đội Pháp ở châu Âu trong Thế chiến thứ hai. Bị quân Đức bắt, ông ba lần tìm cách trốn khỏi trại giam và cuối cùng định cư tại Pháp sau chiến tranh, bắt đầu con đường nghệ thuật của mình.

Chân dung Lê Bá Đảng qua website của Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng.

Sau chiến tranh, ông theo học tại Học viện Mỹ thuật Toulouse, nơi ông được đào tạo bài bản về các loại hình nghệ thuật như hội họa và điêu khắc. Say mê văn hóa Pháp, ông tìm cách kết nối với những cộng đồng nghệ sĩ ở Paris. Chính tại đây, ông gặp Myshu, tên thật là Micheline Nguyễn Hải, một phụ nữ Pháp gốc Việt, và kết hôn với bà vào năm 1950. Hai người có một con trai, Fabrice, còn được gọi là “Touty,” sinh năm 1951.

Sau khi hoàn tất quá trình học tập, ông phải trải qua cảnh nghèo khó, đúng như hình tượng “nghệ sĩ nghèo” thường được lãng mạn hóa. Ông từng kiếm sống bằng cách bán tranh mèo vẽ tay trên phố.

Khi những bức tranh của ông dần chuyển từ phong cách hiện thực sang biểu đạt mang tính biểu tượng và trừu tượng, ông lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả bài thơ 'Le Chat' (Con Mèo) của nhà thơ người Pháp Bodiaer: 

Hãy đến, mèo yêu dấu, trong lòng ta ấp ủ;
Vuốt nhọn co vào, ngoan ngoãn, nép bên.
Cho ta ngắm vào đôi mắt em
Lấp lánh ánh ngọc như sắt thép sáng.

Ngón tay ta ve vuốt ngất hồn ta
Đầu em, đường nét mảnh mai cong vút,
Lòng hân hoan, say sưa thích thú
Trước thần kinh nhạy cảm, khẽ truyền qua,

Nghĩ về người tình của ta cũng giống thế,
Ánh mắt cô như em, lạnh lùng,
Xuyên sâu và bén nhọn như gươm đâm;

Mà lại thêm nét hoang sơ bí ẩn
Toả ra từ hương thơm thanh thoát
Của cơ thể duyên dáng, làn da nâu.

Ngoài mèo, các tác phẩm ban đầu của Lê Bá Đảng còn thể hiện ngựa, hình thể khoả thân và phong cảnh, thường với những nét bút mạnh mẽ, dứt khoát, tạo ra những hình ảnh đầy mạnh mẽ và táo bạo. Dù nhiều tác phẩm của ông lấy cảm hứng từ thời thơ ấu tại Việt Nam, phong cách nghệ thuật của ông thời kỳ đầu mang đậm truyền thống phương Tây. Sau chuyến thăm Việt Nam năm 1975, ông nhận thấy Việt Nam còn nhiều khoảng cách so với phương Tây trong phát triển nghệ thuật. Theo ông, thay vì cố gắng sáng tạo theo truyền thống phương Tây, nghệ thuật Việt Nam nên dựa vào bản sắc văn hóa độc đáo để tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.

Từ những ngày đầu sự nghiệp, các phòng trưng bày ở châu Âu đã lưu tâm nhiều đến cái tên Lê Bá Đảng. Dang tiếng các cuộc triển lãm của ông ngày càng lan xa khi có các nhà sưu tầm lớn đến tìm mua. Là một nghệ sĩ làm việc miệt mài, ông không ngừng thử nghiệm chất liệu mới, từ giấy xếp mà ông cắt tỉa công phu thành những tác phẩm điêu khắc ba chiều đến thư pháp, điêu khắc đồng, khắc gỗ và thậm chí là trang sức.

Năm 1980, một bi kịch xảy ra làm ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và tác phẩm của ông: con trai duy nhất của ông qua đời. Nghệ thuật của ông từ đó mang một nỗi đau sâu lắng, xen lẫn giữa phẫn nộ và buồn thương vô tận. Ông từng nói: “Một đoạn đời đen tối nhất trong đời tôi. [...] Khủng hoảng tinh thần, trí óc mờ ám, tâm hồn đen tối.” Hình ảnh của Touty xuất hiện trong nhiều tác phẩm, và xuất hiện trong con dấu riêng của ông với hình ảnh một đứa trẻ giữa cha mẹ - biểu tượng ông dùng suốt phần đời còn lại.

Khi lên đến mái của bảo tàng, du khách sẽ bắt gặp một tác phẩm tưởng nhớ xúc động dành cho Touty: hình bóng phản chiếu của một người đàn ông và một phụ nữ với một khoảng trống vừa cỡ một đứa trẻ ở vị trí trái tim, để người xem có thể nhìn ra những tán cây xanh mướt ở xa. Đây là một lời tri ân đầy cảm động, thể hiện niềm tin của Lê Bá Đảng rằng “đẹp thôi là chưa đủ,” mà mọi phong cảnh và nghệ thuật cần kể một câu chuyện.

Lịch sử bảo tàng

Ánh sáng dịu dàng chiếu từng góc độ chính xác trên mỗi tác phẩm; cửa lớn khép kín với tiếng đóng êm ái giữ cho không khí mát lạnh bên trong; những bức tường uốn lượn tinh tế, làm từ vật liệu cao cấp, được thiết kế để tối ưu âm thanh, mang đến sự tĩnh lặng trang nghiêm cho không gian chính rộng lớn. Bảo tàng là một công trình đạt chuẩn quốc tế, nổi bật hoàn toàn so với phần lớn các bảo tàng nghệ thuật trong nước. Khi ánh nắng chiếu nghiêng vừa phải, khách có thể ngắm nhìn thiết kế tuyệt vời qua những bóng nắng đổ lên sàn từ phiên bản của con dấu ông.

Xây dựng bảo tàng là ước mơ suốt đời của ông – “một tác phẩm nghệ thuật mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng vũ trụ, sống cùng thiên nhiên, hướng về bất tận...” như ông từng miêu tả – được hiện thực hóa sau khi ông qua đời năm 2015 ở tuổi 96. Lê Cẩm Tế, một người bạn và học trò của ông, đã cống hiến hết mình để thực hiện ước mơ này. Với sự đồng thuận của Myshu, vợ của ông, và những bản phác thảo chi tiết mà ông để lại, việc xây dựng bảo tàng trên khu đất này bắt đầu từ năm 2016 và chính thức mở cửa vào ngày 21 tháng 4/2019. Nơi đây lưu giữ các tác phẩm quý giá từ bộ sưu tập cá nhân của Lê Cẩm Tế và của Myshu.

Trong số 293 tác phẩm, có những phần thuộc kiệt tác 'Comédie Humaine' (Hài Kịch Nhân Loại), lấy cảm hứng từ nhà văn Honoré de Balzac, thể hiện sự thấu hiểu của ông về nhân sinh. Qua tranh vẽ, màu nước, tranh khắc, tranh ghép, tượng điêu khắc và tranh in đá, đây là lời kể về những cảm xúc mà ông đã trải qua, và có lẽ là những gì con người nói chung có thể trải nghiệm, thông qua hàng ngàn khuôn mặt, mỗi khuôn mặt đều mang một góc nhìn riêng.

Nổi bật trong bộ sưu tập là một loạt tác phẩm điêu khắc mang tính chính trị. Là người phản chiến mạnh mẽ, Lê Bá Đảng từng đề nghị Lê Đức Thọ – trưởng đoàn đàm phán với Henry Kissinger tại Hiệp định Paris năm 1973 – mang về cho ông những mảnh vỡ từ máy bay B-52 trong chiến tranh. Từ những mảnh tàn dư này, ông đã tạo nên các bức tượng điêu khắc sơn màu với hình dáng đầu ngựa, chân dung con người, bàn tay và chim, như một lời kêu gọi hòa bình mạnh mẽ.

Không chỉ là một khu vườn đẹp, bộ sưu tập nghệ thuật hay sự tái hiện cuộc đời và tầm nhìn nghệ thuật của ông, Không gian Lưu niệm còn là cơ hội để trải nghiệm một góc nhìn khác về cuộc sống. Quán cà phê tại đây phục vụ những món ăn đơn giản nhưng đầy tinh tế mà ông hẳn sẽ yêu thích. Ngoài ra, một homestay liền kề mang đến không gian tĩnh lặng và trầm mặc để du khách hòa mình vào bầu không khí nghệ thuật, từ từ cảm nhận những câu chuyện mà Lê Bá Đảng tin rằng luôn gắn liền với bất kỳ khung cảnh thiên nhiên nào. Trong các chuyến thăm năm 2022 và 2023, khi homestay này vẫn chưa mở cửa, Saigoneer đã đánh dấu địa điểm này để quay lại khám phá. Nếu chất lượng tương đồng với bảo tàng, thì nơi đây chắc chắn rất đáng để ở lại trải nghiệm.

Năm ngoái, vì chưa sắp xếp được phương tiện trở về trung tâm, tôi rời Memory Space trong cái nóng gay gắt của Huế, từng bước nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới chân và nhìn những rặng thông xanh xa xa. Những ai đang tìm kiếm sự yên bình, khí hậu mát lành và thiên nhiên hoang sơ chắc chắn sẽ thấy khoảng thời gian ở bảo tàng là đáng giá. Người yêu nghệ thuật sẽ thích thú khi được “khám phá” một tài năng còn ít được biết đến ở quê nhà, trong khi những người hâm mộ quốc tế của Lê Bá Đảng có thể xem nơi này như một điểm đến hành hương. Thật ra, không có cách nào sai để tận hưởng khoảng thời gian ở đây, chỉ cần bạn biết thưởng thức. Như ông từng nói: "Nghệ thuật nằm ngay trong đời sống, trong bất cứ điều gì đang diễn ra, miễn chúng ta nhìn nó bằng đôi mắt của cái đẹp."

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào tháng 8/2024, tuần lễ du hành nghệ thuật Nổ Cái Bùm 2024 trở thành nơi nhiều nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình, thu hút được nhiều sự chú ý của đông đảo người tham ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tử Mộc Trà, nghệ sĩ sắp đặt kể chuyện văn hóa bằng lớp lang chất liệu

Tử Mộc Trà, tên thật là Phạm Thùy Dương, là một nữ nghệ sĩ 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hành trình theo đuổi nghệ thuật của cô được nuôi dưỡng bởi thiên cảm cá nhân, truyền thống gia đình và trải n...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

Paul Christiansen

in Môi Trường

Có diện kiến hòn đá cổ xưa nhất Việt Nam, mới thấy rằng ôi ta còn trẻ trung chán

Trong lúc tôi đang bồi hồi nhớ lại lần cuối mình gửi bưu thiếp là khi nào, một đồng nghiệp tại Saigoneer buột miệng chia sẻ rằng từ lúc sinh ra, em còn chưa được thấy mặt mũi con tem, chứ đừng nói đến...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Triển lãm điêu khắc mới của Vy Trịnh đưa ta phiêu lưu cùng 'ON DA DREAM'

Những thanh ruy băng kim loại vừa cứng rắn vừa mềm mại như tia sáng, tràn lan, di chuyển và chiếm mọi ngõ ngách của khoảng không gian trống: lên xuống, trái phải, và vô vàn phương hướng. Qua một chuỗi...