Một ngày nọ, tôi quyết định đi tìm dư vị của những vùng đất trên khắp đất nước trong một con hẻm giữa lòng Sài Gòn.
Điểm đến của tôi là một con hẻm cụt trên dãy nhà cổ ở đường Nguyễn Thái Bình. Cổng hẻm nhỏ đến mức nhìn từ bên ngoài chẳng thấy được gì ngoài mấy chiếc xe và nhà dân xếp san sát. Phải đi vào trong ngó nghiêng một lúc, tôi mới tìm được chiếc biển hiệu cùng mặt tiền kín đáo của Anhouse.
Anhouse là một quán ăn, tiệm cà phê, quán bia và kho lưu trữ kỉ niệm của những nhà sáng lập, anh Thái và anh An. Cùng làm nghề hướng dẫn viên trong hơn 20 năm, hai người bạn và đồng nghiệp đã chu du qua vô số ngóc ngách của đất nước, từ Tây Bắc đến Nam Bộ. Những chuyến hành trình đưa họ đến gần hơn với những cộng đồng với những nét văn hóa, phong tục và nếp sống riêng.
“Mình phải sống với họ, phải đi vào rừng với họ, phải tham gia cuộc đời của họ như thế nào để biết cái hồn trong đó,” anh An kể. Khi rời đi, họ không chỉ biết thêm những kiến thức mới, mà còn mang theo nhưng vương vấn về hương vị xứ người. Những công thức ẩm thực vùng miền được họ học hỏi và ghi chép khi làm việc người địa phương, còn các hiện vật văn hóa được họ mang về ghi nhớ những kỉ niệm từ năm tháng chu du.
“Một điều mình học được khi tìm hiểu những văn hóa mới, đó là họ ăn cái gì, mình cũng nên ăn cái đấy,” anh An nói. “Tất nhiên sẽ có những món mình không ‘cảm’ được vì nó quá ‘out of your comfort zone.’ Quan trọng là khi mình ăn, mình không dùng văn hóa của mình để áp đặt lên văn hóa của người khác.”
Thế là từ đấy, Anhouse ra đời như một góc nhỏ để lưu giữ những cuộc phiêu lưu của hai anh em. Những hiện vật, từ tấm thảm, cồng chiêng, đến chiếc ly uống nước, tiết lộ cho thực khách về những trải nghiệm của người lữ hành; còn những món ăn, được chế biến từ nguyên liệu nuôi trồng tại chính địa phương, mang đến cơ hội để họ bước khỏi “vùng quen thuộc” để nếm, thử, và biết đâu, phải lòng những chân trời ẩm thực mới như anh An và anh Thái.
Chúng tôi cho mình cơ hội ấy bằng việc bắt đầu ở những cánh rừng ở Tây Nguyên. Việc sống ở cao nguyên, xa những cánh đồng muối khiến con người ta phải ứng biến. Đồng bào người Ê Đê và Gia Rai sẽ phơi một miếng thịt bò để thu hút kiến vàng, đợi vị mặn đặc trưng của chúng thẩm thấu vào từng thớ thịt, rồi đem ướp với các gia vị khác.
Món ăn có thể khiến thực khách e dè vì thành phần lạ lẫm, nhưng hương vị của nó không quá khác biệt như những gì tôi đã tưởng tượng. Những gì đọng lại trên đầu lưỡi chủ yếu là chút cay từ sả và thơm từ rau quế, những chú kiến chỉ là sự điểm xuyết nhẹ nhàng về vị giác. Một món ngon và lạ miệng, nhưng có lẽ chưa đủ thuyết phục để tôi bắt đầu sử dụng gia vị có nguồn gốc côn trùng trong nêm nếm hàng ngày của mình.
Hết lên rừng, chúng tôi lại kéo nhau xuống biển. Món ăn tiếp theo là những cuốn chả ram (có thể hiểu như một loại chả giò/nem rán của miền Trung) được chế biến từ tôm đất Bình Định. Tôm đất có kích thước nhỏ hơn nhiều so với tôm thẻ, nhưng cũng vì thế mà ngọt và chắc thịt hơn. Ngoài tôm, phần nhân có có thịt ba chỉ xắt nhuyễn với chút hành tím, được bao bọc bằng lớp bánh tráng chiên giòn mà không quá dầu mỡ.
Không gắn liền với vùng miền nhất định, thịt heo mọi xào lăn sốt nghệ mang dư vị của bữa cơm quê nhà. Thịt heo được thái thành từng lát vừa phải, sau đó được xào lăn cùng với các loại rau củ như hành tây, nấm mèo và đậu bắp. Sốt nghệ được trộn đều vào từng thành phần, hương mù tạt cay cay đặc trưng lan tỏa trong vòm miệng. Chúng tôi xuýt xoa theo từng gắp đũa, “giá như có chén cơm trắng thì ngon phải biết nữa.”
Và cuối cùng, gà H'Mông hấp có lẽ là món ăn đặc biệt nhất và nằm xa “vòng quen thuộc” đối với những người lớn lên ở thành phố miền xuôi như tôi. Giống gà được có vóc dáng nhỏ bé và sắc đen đặc trưng, được nuôi thả ở vùng đồi núi, rồi được hấp lên cùng với 7 thứ gia vị đặc trưng của người H'Mông: hạt dổi, mắc khén, đinh lăng, quế, thảo quả, đại hồi, chẩm chéo. Thịt gà và trứng gà non cũng có thể chấm với chén sốt cũng làm từ 7 thứ gia vị kia.Các nguyên liệu hòa quyện vào lớp thịt gà chắc, dai cùng lớp da beo béo, tạo nên mùi hương thảo đặc trưng trong ẩm thực của đồng bào dân tộc.
Về mặt thực hành, thật khó để chúng ta có thể hoàn toàn buông bỏ những gì đã quen thuộc, nhất là trong thói quen ăn uống. Khẩu vị của mỗi người là thứ được củng cố và ngày càng khó thay đổi theo năm tháng. Những món ăn mà tôi yêu thích nhất từ bữa ăn vẫn là những thứ gần với món mẹ nấu ở nhà — chả giò, heo xào — hơn là các đặc sản miền xa. Tuy nhiên, không gian của Anhouse không phải là nơi để thay đổi tư duy ẩm thực của thực khách bằng những nguyên liệu lạ, mà là nơi để thưởng thức những món ăn với một tâm thế cởi “mở” — không chỉ mở miệng, mà còn là mở tai, mở mắt thật to để hiểu những câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi món ăn của người Việt trên khắp đất nước.
Anhouse mở cửa từ 10h sáng đến 11h tối. Vì giới hạn về không gian, thực khách vui lòng liên hệ quán để đặt bàn trước khi đến.
Đánh giá:
Giá cả: 3.5/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Anhouse
68/3 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp.HCM