Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Nguyễn, vùng đất bị san lấp để xây một tháp nước theo quy hoạch mới của chính quyền Pháp, sau lại trở thành một công trường thể hiện tình hữu nghị của các nước đồng minh thời chính quyền cũ.

Ngày nay, những ý nghĩa xưa cũ từng được gán cho công trình hầu như đã trôi vào quên lãng. Khu hồ nước trở thành một cột mốc trong hình dung chung của cư dân Sài Gòn — một không gian công cộng với hàng gánh, chuyện trò và kỷ niệm. Hãy cùng chúng tôi lật giở từng lớp lịch sử chồng lấp trên khu đất Hồ Con Rùa, và khám phá những đổi thay của thành phố, cảnh quan và con người quanh địa danh này.

Khảm Hiểm Môn — Cánh cổng kiên cố của tường thành Gia Định

Theo ghi chép của sử gia Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, hoàng đế Gia Long, khi chọn Gia Định làm kinh đô, đã cho đắp một ngôi thành phòng thủ mang hình dáng bát quái, gọi là Bát Quái Thành, vào năm 1790. Thành được xây dựng tựa dáng hoa sen, mở ra tám cửa, có tám con đường trong thành, tám pháo đài, và sáu giác bảo, một dạng thành lũy hình bán nguyệt.

Trong tám cửa thành, có một cửa gọi là Khảm Hiểm Môn tọa lạc ở vị trí giao lộ của đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Phạm Ngọc Thạch, tức địa điểm Hồ Con Rùa ngày nay. Theo miêu tả của Trịnh Hoài Đức, các cổng thành của Bát Quái Thành đều có vọng lâu, phía trước các cổng có cầu bằng đá ong, cao rộng bền chắc, ở giữa có vòm để cho nước chảy qua, bắt qua Hộ Thành Hào.

Sơ đồ Bát Quái Thành do Trương Vĩnh Ký ghi chép lại theo nguyên bản của kiến trúc sư Trần Văn Học. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ.

Trong thành, Khảm Hiểm Môn là nơi để các cơ quan hành chính hoạt động. Nơi đây ban đầu cho xây dựng Nội Khố để chứa đồ quý như vàng, bạc, tơ đoạn, vải lụa. Về sau, Nội Khố được đổi thành Kiên Tín Khố; cơ quan gồm năm gian nhà ngói, chuyên khâu các loại thuế và là nơi năm trấn hội nạp tiền bạc, có đội quân riêng tên là Kiên Tín canh giữ. Năm 1806, nơi đây cho xây thêm kho đồn điền, công trình gồm có hai dãy, mỗi dãy mười gian chuyên biệt để chứa lúa thóc thu hoạch từ các đồn điền, có đội quân riêng tên là An Hòa canh giữ.

Bên ngoài Khảm Hiểm Môn là một giác bảo tương ứng với vị trí Công Trường Quốc Tế hay Hồ Con Rùa ngày nay. Bên ngoài lớp giác bảo, có một lũy đất phòng hộ chạy quanh thành gọi là giai thành; ngoài giai thành còn một số trạm thường thú là xưởng voi dùng để chuyên chăm các voi chiến. Các trạm có lúc được dời vào trong thành, lúc thì tản ra theo nguồn cỏ và nguồn nước về phía Biên Hòa, tùy lúc, không nhất định.

Bát Quái Thành và Khảm Hiểm Môn. Mô phỏng 3D do Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện. 

Các quần thể kiến trúc của Bát Quái Thành tồn tại đến năm 1835 thì vua Minh Mạng đã cho giải thể Bát Quái Thành để lập Gia Định Thành năm 1837 ở vị trí góc phía bắc của thành cũ. Lúc này dấu vết của quần thể thành cũ chỉ là các con rạch nước xung quanh vốn là dấu vết của Hộ Thành Hào cũ, vì sự việc này mà Bát Quái Thành sau này còn được gọi Gia Định Phế Thành.

Nhà máy nước đầu tiên và sự chuyển đổi của Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc

Sau sự sụp đổ của Bát Quái Thành, khu vực này bị bỏ hoang trong một thời gian dài. Sau khi người Pháp bình định đất Nam Kỳ, họ bắt đầu tiến hành quy hoạch lại thành phố Sài Gòn. Những tuyến đường trong thành phố mới do người Pháp quy hoạch có sự tương thích với các trục đường và các cạnh của Bát Quái Thành cũ. Tại vị trí Khảm Hiểm Môn cũ, người Pháp đã đặt khu vực cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ thành phố Sài Gòn bấy giờ.

Việc xây dựng hệ thống cung cấp nước ở Sài Gòn, từ nguồn nước đến phân phối cho người dân trong thành phố, được chính quyền thuộc địa bắt tay thực hiện ngay từ năm 1876. Theo sách Sài Gòn và Nam Kỳ thời kỳ tân canh 1875-1925 của Nguyễn Đức Hiệp, hệ thống gồm một giếng nước có độ sâu 20m, lấy nước từ mạch nước ngầm ngay bên dưới thành phố. Nước được hai máy bơm, xếp theo tầng, bơm vào bốn hầm chứa cao trên mặt đất làm thành cấu trúc hình chữ thập quanh tháp nước ở giữa. Một máy bơm thứ ba bơm nước từ các bể chứa này lên đỉnh tháp nước.

Nhà máy nước đầu tiên của Sài Gòn. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Nhà máy cung cấp nước tọa lạc ở Quảng trường Tháp nước, ngày nay là vị trí của Văn phòng Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi xem qua hình sơ đồ và cả các hình ảnh ngày xưa, ta có thể thấy rõ cột khói cao của nhà máy nước, có chức năng xả khói cho hệ thống phát điện chạy bằng hơi nước để cấp điện cho máy bơm nước. Các bể lọc nước ngầm được xây dựng hoàn toàn bên dưới lòng đất khu vực Hồ Con Rùa hiện nay. Những bể này làm thành một phòng khổng lồ dưới mặt đất dài 120m, ngang 12m và cao 9m50, được ngăn ở chính giữa bởi các giếng đá hình tròn.

Vách tường của phòng được cấu tạo bởi các cột nâng đỡ vòm và những tấm mặt lọc bằng đá khô và móng đá cao đến mặt đất. Những ống dẫn nước xuyên qua các móng đá này và lấy nước ở sâu trong mạch nước ngầm. Quá trình thi công bắt đầu từ tháng 11/1879 và hoàn thành tháng 7/1881. Nhà máy sau đó đã mở rộng thêm vào những năm tiếp theo trong khu vực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Quảng trường Tháp nước. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Đến năm 1921 khi dân số thành phố đã tăng cao, tháp nước này không còn đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp nước cho Sài Gòn nữa, chính quyền đương thời đã lập đề án cho xây một hệ thống dẫn nước mới từ Tân Sơn Nhứt. Tháp nước này dần mất vai trò quan trọng và không lâu sau đó đã bị hạ giải.

Đài tưởng niệm “hòa bình” và dấu mốc phản kháng của những năm chiến tranh

Sau khi hạ giải Tháp Nước, chính quyền đương thời đã cho xây đài kỷ niệm Thống chế Joffre tại khu vực này, bấy giờ có tên là quảng trường Maréchal Joffre. Đài tưởng niệm tồn tại đến khoảng năm 1927 thì được chuyển đổi thành Đài Chiến sĩ trận vong — Monument aux Morts. Công trình tưởng niệm các binh lính đã hy sinh trong Thế chiến thứ nhất với hai tượng “Người lính” và “Hòa bình” bằng đồng, đặt hướng ra hai phía đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay.

Cột obelisk Công trường Ba Hình. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Hai bức tượng được đặt dưới chân một cột obelisk, một thiết kế phổ biến trong kiến trúc tượng đài. Cột obelisk này được lấy theo nguyên mẫu trụ hoa biểu trong lăng Tự Đức, hai bên chân cột là tượng hai con rồng theo phong cách Á Đông, hướng ra hai phía của đường Võ Văn Tần ngày nay. Trên đỉnh cột là tượng Nữ thần Chiến thắng cầm vòng ô liu, cũng là một hình tượng phổ biến trên các tượng đài trận vong thời bấy giờ. Người dân thời ấy gọi khu vực này là Công trường Ba Hình theo ba bức tượng ấy.

Báo Associated Press đưa tin về việc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn kéo đổ các bức tượng nhằm phản đối lực lượng Pháp tại Sài Gòn. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Ngày 29/7/1964, những thành viên trong Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn đã dùng dây thừng buộc vào các bức tượng rồi kéo đổ xuống. Sự kiện này đã làm xáo động truyền thông thời bấy giờ. Cột obelisk tồn tại đến cuối thập niên 1960, thì được thay thế bằng một tượng đài mang ngôn ngữ của một thời đại mới, đó được gọi là Công trường Quốc tế Viện trợ.

Công trường Quốc tế Viện trợ — Cột mốc của kiến trúc hiện đại giữa lòng Sài Gòn

Công trường Quốc tế Viện trợ, hay thường được người dân thành phố gọi là Hồ Con Rùa, được nhấn mạnh bằng một tượng đài theo chủ nghĩa hiện đại do kiến trúc sư Nguyễn Kỳ thiết kế. Đề án của ông được lựa chọn qua một cuộc thi thiết kế ngày 24/11/1967, và công trình được khánh thành vào buổi sáng Chủ nhật ngày 22/6/1969.

Công trường được thiết kế theo mặt bằng hình bát giác, vốn kế thừa lại từ các công trình trước đó từng tồn tại ở vị trí này, như một cách để gợi nhớ đến tiền thân của thành phố Sài Gòn là Bát Quái Thành. Ở giữa công trường có một tháp cao được đúc bằng bê tông cốt thép. Theo bản thiết kế mà chúng tôi tiếp cận được từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tháp mang tên Hoa Tự Do với năm cánh hoa, mỗi cánh hoa lại có thêm năm cánh nhỏ, trên cùng là Nhụy Hoa Tự Do được ốp đồng.

Tượng đài ở Công trường Quốc tế Viện trợ trong hiện trạng nguyên bản vào năm 1970. Ảnh: Charles W. qua tài khoản Flickr manhhai.

Hình dáng Hoa Tự Do mô phỏng một đóa hoa sen trồi lên từ mặt hồ hình bát giác, gợi ta nhớ đến một đoạn miêu tả trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức: “Thủy ư Bình Dương huyện địa, Tân Khai thôn, cao phụ trúc Bát Quái thành, như liên hoa trạng, khai bát môn.” Ta có thể tạm dịch: “Bắt đầu đắp thành Bát Quái ở gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, hình như hoa sen, mở ra tám cửa.”

Bên dưới tháp Hoa Tự Do là một đài có cầu thang đi lên gọi là Lễ Đài, mang dáng hình oval, ốp gạch mosaic màu nâu, riêng lan can Lễ Đài được ốp cẩm thạch trắng. Đặt trên Lễ Đài là một đỉnh đồng lớn hướng mặt về phía nam. Vào những dịp lễ kỷ niệm, các đại diện chính phủ đương thời lại đến đây để thắp nhang và làm lễ.

Phía tây của Lễ Đài có một tượng rùa bằng đồng đội bia, bên trên là tấm bia ốp bằng đá cẩm thạch khắc tên các nước viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, trên cùng tấm bia là một hình khắc hồ lô theo tạo hình truyền thống bằng đồng. Hình tượng con rùa đội bia lấy cảm hứng từ những tượng rùa ở Văn Miếu Hà Nội và Văn Miếu Huế, nguyên hình tượng con rùa lấy từ Tứ Linh. Theo lời dạy của Khổng Tử trong sách Kinh Lễ, thuần hóa được Quy là quy phục được lòng người (龜以為畜, 故人情不失).

Tượng rùa cùng tấm bia ghi tên những nước đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Tấm bia và tượng rùa đã bị phá hủy vào năm 1976 bởi những người không rõ danh tính, các vật liệu bằng đồng của công trường như đỉnh đồng, hồ lô, nhụy hoa tự do cũng không còn hiện diện đến ngày nay. Tượng đài hàm chứa nhiều tham chiếu về lịch sử hình thành của Sài Gòn, diễn giải những yếu tố văn hóa Việt Nam bằng ngôn ngữ thiết kế mới mẻ, hướng tới tính năng động toàn cầu đặc trưng của tinh thần đô thị thời kỳ ấy.

Kiến trúc sư Mel Schenck, một trong những nhà nghiên cứu về kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn, đã nhận định về Công trường Quốc tế Viện trợ như sau: “Đây thực sự là thiết kế kiến trúc hiện đại với biểu hiện trừu tượng của một cành sen. Mặc dù ban đầu mang tính năng đại diện cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thiết kế của tượng đài không mang tính chính trị cũng như thể hiện bản sắc dân tộc, không giống như hầu hết các tượng đài khác trên thế giới, ngay cả trong thế kỷ 20. Cuộc thi này khẳng định miền Nam Việt Nam đã tiếp nhận sự tân tiến và chủ nghĩa hiện đại, tượng tự như cuộc thi thiết kế Dinh Độc Lập năm 1962.” (trích Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam).

Sự đa tầng của Hồ Con Rùa ngày nay

Một không gian công cộng không chỉ được đánh giá qua giá trị kiến trúc, cảnh quan, mà còn trong sự đa chiều tương tác mà không gian ấy mở ra. 

Nếu dành thời gian trò chuyện cùng những người bán hàng rong, chúng ta có thể nhận ra họ đến từ khắp các khu vực trên đất nước. Khu vực này đại diện cho tính năng động của Sài Gòn như một đô thị đón các dòng di cư, nơi người di cư tìm thấy cơ hội sinh nhai và văn hoá của họ cũng góp phần định hình ngược lại thành phố mà họ nương tựa. Những vỉa hè, lối đi dạo vòng quanh Hồ là không gian ăn vặt và chuyện trò của cộng đồng.

Những vỉa hè, lối đi dạo vòng quanh Hồ là không gian ăn vặt và chuyện trò của cộng đồng. Nguồn ảnh: tài khoản Unsplash Irish83.

Sự quan tâm dành cho khu Hồ Con Rùa cũng thay đổi theo thời gian. Có những trung tâm thương mại và phố đi bộ mới gần đó thu hút công chúng nhiều hơn, và không gian quanh hồ đôi khi trở nên vắng lặng. Thói quen sử dụng không gian công cộng của cư dân, bao gồm việc bán rong và mua hàng rong, cũng mâu thuẫn với những kỳ vọng của nhà chức trách về đô thị sạch đẹp-văn minh.

Hồ Con Rùa như một nơi chốn công cộng lâu đời của Sài Gòn minh hoạ đầy đủ cho sự đa chiều, mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn mà thành phố trải qua. Bản thân công trình như một thực thể vật lý, khối cây xanh khổng lồ ôm trùm lấy nó và sự đa dạng trong đời sống văn hoá của con người làm cho Hồ Con Rùa trở thành một đại diện cho đời sống đô thị của thành phố Sài Gòn.

Ngay cả bây giờ, chúng ta vẫn có thể cảm nhận đâu đó dáng dấp của thành Gia Định ở Hồ Con Rùa. Nguồn ảnh: Người Lao Động.

Bài viết được thực hiện trong chương trình hợp tác nội dung giữa Saigoneer và Tản Mạn Kiến Trúc (TMKT), một dự án truyền thông độc lập về di sản đô thị Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về các nghiên cứu của TMKT qua trang Facebook chính thức của nhóm tại đây.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Từ đầm lầy lên biểu tượng: Lược sử Chợ Bến Thành qua các thời kì

Từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914, chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm...

in Di Sản

Chuyện về Marie đệ nhất, tên gian hùng trở thành 'quốc vương' Tây Nguyên

Lịch sử thế giới ghi nhận không ít câu chuyện về những đức vua Tây Âu với vương triều ngắn ngủi ở Đông Á. Ta có thể kể đến James Brooke, quốc vương (rajah) da trắng đầu tiên của Ấn Độ — người đã ...

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Di Sản

Ngược dòng lịch sử trăm năm Collège d'Adran — Ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn

Khi đi ngang qua Thảo Cầm Viên về hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh, không nhiều người sẽ để ý đến sự hiện diện của THCS Võ Trường Toản và THPT Trưng Vương. Có lẽ càng ít người biết rằng, cả hai công trình ...