Hiếm có loại snack nào có câu chuyện ra đời thú vị như snack khoai tây chiên. Bộ sưu tập hương vị của loại snack này theo năm tháng lại trở nên đa dạng và kỳ quặc hơn.
Đây không phải bài viết quảng cáo cho snack khoai tây O’Star.
“Sự tích” về snack khoai tây kể rằng, vào năm 1853 ở New York, có một đầu bếp đang đau đầu vì phải phục vụ một vị khách đặc biệt khó tính. Vị khách nọ liên tục đòi trả lại món khoai tây chiên mình đã gọi, và phàn nàn rằng lát khoai mình được phục vụ bị cắt quá dày. Mệt mỏi vì làm thế nào khách cũng không hài lòng, đầu bếp đã thái khoai mỏng đến mức trông không còn giống khoai tây chiên nữa. Trớ trêu thay, vị thực khách lại thích thú với những miếng khoai mỏng tang ấy, và món snack khoai tây mà ngày nay chúng ta yêu thích đã ra đời như thế.
Câu chuyện này có lẽ phần nhiều là hư cấu. Nhưng bênh cạnh nguồn gốc ra đời, snack khoai tây còn không ít lần khiến người tiêu dùng “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” với những sự thật kỳ quái về mình. Dù chứa một lượng lớn tinh bột từ khoai và chất béo từ dầu chiên, lại tẩm ướp cực nhiều muối và hương liệu, snack khoai tây đã từng được xem là món ăn tốt cho sức khỏe, thậm chí còn được quảng cáo là có khả năng hỗ trợ “chuyện ấy”!
Miếng khoai chiên thường có kết cấu mỏng giòn và kích cỡ vừa miệng, và là "phương tiện" phù hợp để thử nghiệm nhiều hương vị đa dạng. Những năm gần đây, các nhà sản xuất đã giới thiệu hàng loạt hương vị độc lạ dành riêng cho các thị trường khác nhau, từ vị mực, pizza, sirô cây phong, đến vị dưa muối và hồi quế. Những hương vị độc đáo này có lẽ sẽ khiến những vị khách ngoại quốc thấy lạ miệng, nhưng sự kỳ cục và khó ăn ấy lại chính là nỗ lực của nhãn hàng trong việc "địa phương hoá" sản phẩm của mình.
Tại Việt Nam, thị trường snack khoai tây ngày càng phát triển sôi nổi, với sự cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước lẫn các thương hiệu đến từ Nhật, Hàn, và Mỹ; nhưng các hãng thường chỉ bán một số hương vị phổ biến trong "vùng an toàn" như thịt nướng BBQ, phô mai, tảo biển, v.v. Chỉ mãi đến đến gần đây, một chuỗi sản phẩm mới ra mắt để phá đảo tình thế này.
O’Star là gương mặt quen thuộc tại các tiệm tạp hóa và cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước. Hãng vừa trình làng dòng snack khoai tây “3 Miền Chất Việt” với ba hương vị lấy cảm hứng từ ẩm thực ba miền: Cơm tấm sườn trứng của Sài Gòn, Thịt trâu gác bếp của vùng núi miền Bắc, và Mực nướng cay của vùng duyên hải miền Trung. Saigoneer đã đặt mua cả ba hương vị này để chuẩn bị cho bài viết đầu tiên trong series Snack Attack và bắt đầu hành trình khám phá các loại snack trong nước.
Vị Cơm Tấm Sườn Trứng
Nguyên liệu quan trọng nhất trong dĩa cơm đặc sản của người Sài Gòn là gì? Có lẽ nhiều người sẽ trả lời là miếng sườn nướng thơm phức khiến bao người đi đường phải ngoảnh đầu để hít hà một hơi. Cũng có người cho rằng gạo tấm mới là nhân vật chính, vì loại gạo vụn đã tạo nên cái tên của món ăn nức tiếng này. Tất nhiên không thể không kể đến "công lao" của những món đồ chua, dưa chuột và cả chén nước mắm pha ớt.
Còn trứng ốp la thì sao? Cá nhân tôi thì thấy nó chỉ là thành phần phụ trong món ăn, có thì ăn không có cũng không sao. Nếu tôi gọi một dĩa cơm tấm mà quán bưng ra không có miếng thịt sườn là tới công chuyện với tôi ngay, còn nếu họ quên mất quả trứng thì tôi cũng không lấy làm khó chịu. (Lời thứ lỗi từ Ban biên tập: Chúng tôi cũng lấy làm lạ trước khẩu vị của người viết. Đây chỉ là cảm nhận riêng của tác giả thôi nhé!)
Vì có quan điểm như vậy nên tôi đã khá ngạc nhiên khi thấy loại snack này lấy vị của trứng ốp la làm hương vị chính. Nếu họ làm snack vị trứng hẳn đi thì tôi đã không có gì để thắc mắc. Đồng ý là người ta khó có thể tái hiện vị gạo tấm lên miếng khoai tây chiên, vị thanh mát của dưa leo cũng vậy, nhưng mà vị nước mắm và mùi than của miếng thịt sườn cháy xém thì đâu có gì khó đối với công nghệ chế biến thực phẩm ngày nay? Thật không hiểu tại sao O’Star lại dành vai chính cho miếng trứng ốp la không mấy chi đặc sắc như vậy.
Cơm tấm vốn có sự kết hợp hài hòa giữa nhiều hương vị, có thịt dai dai và đồ chua giòn giòn, có cơm trắng nóng hổi cùng dưa chuột tươi mát, vì thế tôi đã rất thất vọng vì hương vị của sản phẩm quá đơn điệu. Tôi có một nguyên tắc cơ bản khi đánh giá các sáng tạo ẩm thực mới, từng được tôi áp dụng khi ăn thử bánh kem sầu riêng và pizza vị bún đậu mắm tôm: Món này có ngon hơn phiên bản gốc không? Nếu không ngon thì thôi xin ai về nhà nấy.
Vị Thịt Trâu Gác Bếp
Trong tủ lạnh ở văn phòng Saigoneer có nửa ký thịt trâu tôi đặt mua trên Facebook: một phần là vì tôi lỡ tay chốt đơn khi lướt mạng (tôi còn phát hiện mình có thể đặt thịt đà điểu và được ship ngay và luôn trong 24 giờ), phần khác là vì tôi rất yêu thích các loại đặc sản của miền Bắc Việt Nam.
Thịt trâu khô là món ăn rất phổ biến của cộng đồng người Thái Đen ở các tỉnh Tây Bắc, và là một món cực ngon để nhắm với bia: hương vị đậm đà, cay cay, dai dai, dễ chia cho nhiều người. Thịt trâu được ướp với muối, bột ớt, gừng, và lá mắc khén hái từ rừng, rồi hun khói trong thời gian dài. Ẩm thực Việt được khen ngợi là cân bằng được nhiều hương vị, và thịt trâu gác bếp là một ví dụ hoàn hảo: cách chế biến này làm cho thớ thịt vừa ngọt vừa mặn, thấm đẫm nước sốt cay nồng hương đất rừng.
Vậy snack vị thịt trâu gác bếp thì sao? Khá là ngon đấy. Không giống như vị cơm tấm ở trên, loại này cân bằng được các hương vị của món ăn gốc. Người ăn có thể cảm nhận được mùi rau thơm, bột ớt, và thịt trâu lần lượt lan tỏa trong miệng. Snack khoai tây vị thịt không phổ biến ở phương Tây nhưng đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam, nên có lẽ trình sản xuất snack thịt trâu của nước ta cũng đã lêp cấp bậc thượng thừa? Chỉ bằng cách biến tấu vị thịt theo một món ăn dân dã, thị trường đã có thêm một loại snack mới lạ miệng. Tuy không thể bổ dưỡng bằng thịt trâu thật, nhưng đây cũng là một sự thay thế ổn thỏa khi bạn muốn chill cùng bạn bè bên vài ly bia mát lạnh bên bờ kè.
Vị Mực Nướng Cay
Tôi từng đặt ra một giả thiết là loài vật nào thú vị thì ăn không ngon, còn loài nào thịt ăn ngon thì chẳng có gì thú vị. Ví dụ như loài bò — thịt rất ngon nhưng trông thì rất nhàm chán; loài sứa — dáng hình mê hoặc nhưng ăn vào thì nhạt nhẽo. Cơ mà loài mực lại chẳng tuân theo quy tắc này.
Là quán quân bơi lội trong các loài động vật không xương sống, loài mực quả là điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Chúng xuất hiện từ thời của khủng long, sau đó phân nhánh khỏi họ hàng của mình theo những cách đáng kinh ngạc. Cơ thể mực ống đã phát triển thêm chiếc mỏ, có ba trái tim, khả năng phun mực để tự vệ, và trong một số trường hợp, cơ thể chúng phát ra ánh sáng huỳnh quang sặc sỡ để giao tiếp.
Tôi thích suy ngẫm về những đặc điểm sinh học này của loài mực mỗi khi ngồi uống bia trên phố và người bán khô mực đi ngang qua, rao bán món ăn vặt hạng sang làm từ loài sinh vật siêu việt, mang theo hương vị mặn mòi đặc trưng của biển cả.
Tôi cũng cho rằng người ta ăn khô mực không chỉ để thưởng thức vị mằn mặn ngọt ngọt của loại hải sản này, mà còn vì cảm giác dai dai khi nhai thịt mực. Liệu snack khoai tây có thể truyền tải được trải nghiệm ấy không?
O'Star vị mực nướng cay ăn khá giống loại khoai tây thông thường, nhưng thoảng một chút vị mực kết hợp với sốt muối ớt chanh. Cái giòn giòn của miếng snack không thể sánh với cái dai dai vui miệng của khô mực thật, nên có lẽ sản phẩm này sẽ không thỏa mãn cảm giác thèm ăn khô mực của mọi người. Nhưng nếu ta không xem gói snack này là "hàng pha-ke" của món mực, mà chỉ nhìn nhận nó là gói snack có vị là lạ thôi, thì nó vẫn ngon như thường.
Kết luận
Tất nhiên, những hương vị độc lạ này là chiêu marketing; snack khoai tây vẫn là thực phẩm chứa đầy chất béo và calo rỗng. Người tiêu dùng không ăn snack vì giá trị dinh dưỡng mà vì những lựa chọn mới lạ đầy kích thích. Người Việt yêu thích những món ăn đặc sản trên sẽ mua sản phẩm vì tò mò, và điều đó sẽ tạo nên thành công cho đội ngũ tiếp thị và phát triển sản phẩm của O'Star. Với giá thành hợp lý và độ phủ sóng rộng khắp cả trong cửa hàng và các kênh thương mại trực tuyến, dòng snack này sẽ là sự lựa chọn tiện lợi cho cuộc vui của bạn thêm phần thú vị.
Chúng tôi không thể nói chính xác điều gì làm cho snack khoai tây có hương vị hấp dẫn như thế, vì danh sách thành phần của sản phẩm cũng dài như bài viết này vậy, nhưng rõ ràng trong đó có rất nhiều hương liệu hóa học. Vì vậy, cho dù bạn không ghiền snack khoai tây hay cũng không ham mê khám phá những điều kỳ quặc, thì dòng snack mới này vẫn đáng ăn thử để đánh giá khả năng tạo hương vị của ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay. Mùi vị của sản phẩm có giống như món ăn thực tế hay không thật ra cũng không quá quan trọng đâu.
Nếu bạn là tín đồ ăn vặt và muốn gợi cho Saigoneer review một món bánh trái đường phố, snack mới ra lò, hay thậm chí thức quà thuở nhỏ khó kiếm trong cửa hàng tiện lợi, email cho chúng mình tại contribute@saigoneer.com