Quy Nhơn không chỉ nổi tiếng với những triền biển hoang sơ và danh thắng có bề dày lịch sử, mà hương vị ẩm thực nơi đây cũng “gây thương nhớ” cho biết bao du khách đã từng ghé thăm thành phố này.
Là một dải đất ven biển miền Trung thuộc tỉnh Bình Định, ẩm thực Quy Nhơn mang đậm dấu ấn của bề dày văn hóa lịch sử, và thể hiện cả tinh thần chịu thương chịu khó của người dân nơi đây.
Sáng thức dậy ở Quy Nhơn thật khoan khoái khi được chào ngày mới với khí trời se lạnh pha chút mặn mòi của gió biển. Ta cũng có thể thư thả đi dạo trên bãi cát trắng mịn trong khi phóng mắt ra xa nhìn ngắm đường chân trời tít tắp, lấp ló là những hòn đảo nhỏ với vô vàn hình thù kỳ lạ. Và không gì hoàn hảo hơn khi ngay sau đó, chỉ cách vài bước chân là ta có thể nhâm nhi điểm tâm sáng "nóng hổi vừa thổi vừa ăn" để làm ấm người. Dù có ở đâu trong thành phố biển này thì bạn cũng sẽ dễ dàng tìm được một địa điểm ăn uống chất lượng. Đó có thể là một gánh hàng rong bên đường ray xe lửa, hay một quán ăn gia đình khiêm tốn nằm bên kia đường.
Vì lẽ đó, trải nghiệm ẩm thực là điều không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến Quy Nhơn. Hãy cùng Saigoneer điểm qua ba món ăn và địa điểm ăn uống tiêu biểu đã góp phần làm nên bẳn sắc ẩm thực của Quy Nhơn ngày nay.
Bánh hỏi cháo lòng
Nằm tại số 145 Diên Hồng, quán ăn gia đình này là một trong những địa điểm ăn uống nổi tiếng nhất của thành phố. Suốt 20 năm qua, quán vẫn luôn thu hút khách du lịch từ khắp nơi tìm đến để thưởng thức món bánh hỏi cháo lòng — sự kết hợp tưởng chừng “lạc quẻ” nhưng lại hài hòa đến bất ngờ.
Cả bánh hỏi và cháo lòng đều là món ăn rất đỗi quen thuộc, nhưng ít ai nghĩ đến việc kết hợp chúng với nhau. Đây quả là một ý tưởng táo bạo của người am tường ẩm thực. Ngày nay bánh hỏi cháo lòng đã phổ biến đến mức trở thành món ăn đặc trưng của Quy Nhơn.
Từng lớp bánh hỏi được “dệt” bằng những sợi bún mỏng, xốp xốp dai dai, khi ăn thường được phết mỡ hành và rắc tỏi phi. Bánh hỏi Quy Nhơn không ăn cùng với thịt heo quay mà thay vào đó là một dĩa lòng gồm ruột, tim, gan, lưỡi, v.v. Đã có lòng thì không thể thiếu một tô cháo nóng hổi với rau thơm đi kèm để cân bằng các hương vị và làm ấm cơ thể trong tiết trời se lạnh của buổi sáng.
Cũng như những hàng cháo khác, quán chỉ bán vào buổi sáng từ 6 giờ đến 10 giờ. Dù mở cửa trong khung giờ khá ngắn, nhưng quán vẫn có thể phục vụ một lượng khách lớn và trung bình mỗi ngày bán hết 40kg bánh hỏi, không hổ danh là một trong những địa điểm ăn uống “phải đến” của thành phố.
Bánh xèo tôm nhảy
Khởi đầu từ một quán bánh xèo nhỏ đặt theo tên cậu con trai từ 18 năm trước, Bánh Xèo Gia Vỹ hiện đã có hai cơ sở trên đường Diên Hồng và đường Nguyễn Tư. Điều đặc biệt của thương hiệu này không chỉ nằm ở danh tiếng được gây dựng qua nhiều năm, mà hơn hết là ý tưởng biến tấu món bánh xèo miền Trung để tạo ra một món ăn đặc sắc cho ẩm thực địa phương.
Chiếc bánh xèo giòn rụm và đậm đà hương vị vẫn luôn là một trong những món ăn Việt Nam rất được yêu thích. Mỗi vùng miền sẽ có phiên bản bánh xèo riêng với nguyên liệu, cách chế biến, hay gia vị nêm nếm khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói chỉ ở Quy Nhơn ta mới thấy nhiều khác biệt đến vậy trong những dĩa bánh xèo, dù là bánh xèo vỏ, một loại ít được biết đến hơn chỉ riêng Bình Định mới có, hay bánh xèo tôm nhảy, cũng đều là món chính ở Bánh Xèo Gia Vỹ. Công thức bánh xèo của chú Minh chủ quán hút khách đến mức nhiều quán bánh xèo khác đã học theo và đưa bánh xèo tôm nhảy lên hàng đặc sản của thành phố.
Với nụ cười niềm nở thường trực trên môi, chú Minh kể lại sự tích của món ăn này. Vì muốn tạo được sự khác biệt với những quán bánh xèo khác, cũng như nâng mức giá lên một cách hợp lý, chú đã quyết định làm mới công thức bánh xèo quen thuộc bằng cách đa dạng hóa nhân bánh — khách hàng có thể lựa chọn nhân thịt bò hay mực thay vì chỉ có tôm như thường lệ. Bánh xèo của anh Minh cũng ngon hơn và nhiều nhân hơn. Những điều chỉnh đơn giản như thế đã làm cho thực đơn quán rất thu hút, nhanh chóng lấy lòng người dân địa phương và khách thập phương.
Sau sáu năm kinh doanh, chú Minh mở thêm chi nhánh và tân trang lại cơ sở đầu tiên. Có thể nói, chính sự nhanh nhạy trong kinh doanh của chú đã góp phần tạo nên một thương hiệu riêng cho ẩm thực Quy Nhơn.
Bún chả cá Quy Nhơn
Sau một ngày dài khám phá thành phố, không có gì tuyệt hơn việc thưởng thức một tô bún chả cá nóng hổi. Chỉ thử một muỗng nước lèo thôi là cũng đủ để cảm nhận hương vị đậm đà và cay nồng rất đặc trưng. Vị cay này kết hợp rất đượm với những nguyên liệu khác trong tô bún, từ nước dùng, chả cá, bắp chuối, đến rau thì là và ngò gai.
Nắm được "tinh thần" của bún chả cá Quy Nhơn, Bún Cá Thùy đã tạo ra một công thức làm tương ớt xào độc đáo. Bí quyết của quán là rang tiêu chung với đường để cho tương sánh đặc, cay nồng và có vị khói đặc trưng. Có lẽ chính nhờ hương vị riêng biệt này mà Bún Cá Thùy đã trở thành một trong những hàng bún cá nổi tiếng nhất của thành phố, khiến không ít khách du lịch kháo tai nhau mỗi khi có dịp đến thăm. Lựa chọn khá được yêu thích ở đây là bún chả cá thập cẩm, với loạt nguyên liệu đa dạng bao gồm ốc, giò heo, sứa, riêu cua, thì là, xoài, đậu phộng, v.v.
Anh Tâm, một thành viên trong gia đình, với nụ cười niềm nở trên môi, đã kể cho chúng tôi về lịch sử kinh doanh của quán. Sau hơn 20 năm, Bún Cá Thùy đã trở nên nổi tiếng và có nhiều khách quen, với sức bán lên đến 150kg bún và 40kg mì Quảng mỗi ngày. Quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, thuận tiện cho thực khách thưởng thức mọi lúc trong ngày.
Chỉ nói riêng về ẩm thực, Quy Nhơn cũng xứng đáng để ghé thăm lần thứ hai, thứ ba, và hơn nữa
Ẩm thực Quy Nhơn ngày càng nổi tiếng trên cả nước và giờ đây ta có thể dễ dàng thưởng thức các món ngon này ở nhiều vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, chỉ khi thưởng thức ở quê nhà thì trải nghiệm mới chân thực và “chuẩn vị” nhất. Hương vị tròn trịa ấy đến từ nguồn hải sản tươi ngon của biển Quy Nhơn và cả công thức chế biến gia truyền độc đáo nơi đây. Chất lượng luôn được đảm bảo, mà giá cả lại rất bình dân. Có thể nói, thương hiệu ẩm thực Quy Nhơn là sự tổng hòa của thiên nhiên, khí hậu, và cả những đặc trưng văn hóa riêng biệt.