Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Câu chuyện đa dạng văn hoá đất Việt qua 3 phiên bản 'Sọ Dừa' của người Kinh, Chăm, Raglai

Câu chuyện đa dạng văn hoá đất Việt qua 3 phiên bản 'Sọ Dừa' của người Kinh, Chăm, Raglai

Nếu điền giấy khai sinh cho Sọ Dừa, bạn sẽ ghi gì vào ô Dân tộc?

“Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo phải ở đợ cho một phú ông…” — Truyện cổ tích Sọ Dừa thường mở đầu như thế, và thấm vào tâm hồn của những đứa trẻ thơ qua lời mẹ kể. Những “bé ngoan” từng được thưởng một ghế (hoặc đĩa CD) xem vở kịch Ngày Xửa Ngày Xưa 3 chắc hẳn sẽ không thể quên chú Thành Lộc trong bộ đồ một trái dừa, chân tay thò ra và bộ tóc dập xù. Lối diễn xuất hài hước của các diễn viên đã giúp thế hệ thiếu nhi thời đấy học hỏi thêm về những giá trị nhân bản. Dù có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng cốt truyện chính của Sọ Dừa có thể tóm tắt như sau.

Ai rồi cũng “dừa” lòng

Một đôi vợ chồng nghèo đi ở đợ ở nhà phú ông, tính tình hiền lành chăm chỉ nhưng mãi không có một mụn con. Một hôm, người vợ khi vào rừng lấy củi bỗng nhìn thấy một cái sọ dừa chứa đầy nước mưa. Quá khát nước, bà cầm lên uống một hơi, và khi về nhà bà đã có mang. Đứa bé sinh ra không tay, không chân, tròn như quả dừa trông rất kỳ dị. Bà định vứt đi thì đứa bé cầu xin cho được ở lại với ông bà. Từ đó, đứa bé được đặt tên là Sọ Dừa.

Lớn thêm chút, Sọ Dừa thương mẹ làm lụng vất vả nên xin một chân chăn bò cho phú ông. Đàn bò được chăn béo tốt nên phú ông rất ưng bụng, nhân ngày mưa cử ba cô con gái mang cơm đến cho Sọ Dừa. Hai cô chị bản tính nhỏ nhen nên hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em út hiền lành nên đối đãi tử tế với Sọ Dừa. Một hôm, lúc đem cơm, cô em út vô tình thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú thổi sáo đang chăn bò, nghe tiếng động thì chàng biến ngay thành Sọ Dừa. Nhiều lần, cô đem lòng “trồng cây si” Sọ Dừa.

Một hôm, Sọ Dừa ngỏ lời với bố mẹ rằng mình muốn cưới con gái phú ông. Dĩ nhiên, cô em út bằng lòng trong sự ngỡ ngàng đến từ đội hai cô chị. Phú ông ra sính lễ khiến đôi vợ chồng già “xỉu ngang” và lủi thủi ra về, không biết xoay xở thế nào. Đến ngày hẹn, sính lễ tự khắc đầy ấp trong nhà, hiển nhiên là nhờ tài phép của Sọ Dừa. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa nữa, mà thay vào đó là một chàng trai oai vệ, khiến hai cô chị chỉ biết “ghen ăn tức ở.”

Sau đó, chàng trai thi đỗ trạng nguyên và được vua cử đi sứ. Trước khi đi, chàng gửi lại vợ một hòn đá lửa, hai quả trứng và một con dao để phòng tai họa. Nỗi ghen tức của hai cô chị đã dẫn đến cảnh “chị em tương tàn.” Cô em út bị chị đẩy xuống biển, rồi bị một con cá nuốt vào bụng. Đến một hòn đảo, cô dùng dao khoét bụng cá chui ra, dùng đá đánh lửa để nướng thịt cá. Hai quả trứng gà nở ra thành một cặp trống mái bầu bạn với cô út.

Khi có một thuyền quan đi ngang hòn đảo, con gà trống cất tiếng gáy: “Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.” Quan tấp vào, trùng hợp sao lại là chàng Sọ Dừa, rồi cứu vợ mình về. Khi về đến làng, mở tiệc nhưng không cho biết vợ mình đã cùng trở về. Hai cô chị tiện mồm xót thương người em, quan trạng vẫn không một lời. Tiệc tàn, cô út bước ra, hai chị nhìn thấy em mình liền tự thấy hổ thẹn mà bỏ đi biệt xứ.

“Mẹ ơi, sao uống nước dừa thôi mà cũng có thai vậy?”

Hai bài học dễ nhận thấy nhất từ câu truyện Sọ Dừa là “ở hiền gặp lành” và “cái nết đánh chết cái đẹp.” Còn giáo viên nào “đứng lớp” phù hợp hơn cặp trai gái tài đức vẹn toàn trong truyện? Ở đây, cần phải hiểu vẻ đẹp ra-dáng-người của Sọ Dừa được tạo nên từ những đức tính tốt đẹp ẩn tiềm bên trong. Với học sinh Việt Nam, những giá trị này đã trở thành công thức tập làm văn từ ngày mới mài đũng quần trên ghế nhà trường đến khi vào phòng thi đại học.

Truyện cổ tích thường là phương tiện để cha ông truyền đạt những giá trị sống và đức tính tốt đẹp cho lớp trẻ. Với truyện Sọ Dừa, ai cũng có thể liên hệ được với những tình huống éo le họ gặp trong đời sống. Và những câu truyện cổ tích như trên phần nào an ủi người trong cuộc rằng cuộc sống rồi sẽ về đúng quỹ đạo.

Song, những chi tiết thần kỳ trong truyện cũng khiến trẻ nhỏ và người lớn tò mò; như tôi lần hỏi mẹ “Mẹ ơi, sao uống nước dừa thôi mà cũng có thai vậy?” Hoá ra, đây là ví dụ điển hình và rõ nét nhất cho tín ngưỡng “vạn vật hữu linh,” mọi sự vật đều có linh hồn. Tính linh của những vật thể sẽ truyền sang người những tính chất nổi trội và đặc trưng được hiểu qua óc liên tưởng của người xưa. Tương tự với Sọ Dừa, Thánh Gióng, một trong “tứ bất tử” của người Việt, cũng được một bà lão lục tuần mang thai sau khi đạp vào một dấu chân khổng lồ. Đó cũng chính là điềm báo bà sẽ sinh ra một vị anh hùng cái thế.

Bên cạnh đó, cú “twist” vợ Sọ Dừa bị cá nuốt vào bụng cũng tương tự với câu chuyện của Pradyumna, con trai thần Krishna trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ. Tình huống bị các loài vật khác nhau nuốt vào bụng cũng thường thấy trong các truyện cổ tích thần tiên. Dù con người có sở hữu nhiều quyền năng đến đâu, thiên nhiên vẫn là sự bảo trợ tối thượng mà khó ai biết trước chúng ta sẽ cần đến.

Có lẽ vì vậy mà không chỉ dân tộc Việt (hay chính xác là người Kinh trên đất Việt), nhiều dân tộc khác cũng đã mang thiên nhiên vào điển tích của mình, và vô tình cho ra những cốt truyện "na ná" nhau. Song song với Sọ Dừa mà chúng ta biết từ sách giáo khoa, từ truyện cổ tích tiếng Việt là những giai thoại mang ý nghĩa lớn lao hơn như thế nữa.

"Sọ Dừa" qua mắt nhìn Chăm

Mỗi lần nhắc đến vương quốc Champa, chúng ta thường nghĩ ngay đến đôi mắt buồn một nỗi mất nước của dân tộc Chăm. Theo cách thư tịch cổ, vương quốc có hai thị tộc: thị tộc Cau ở phía Nam (Kraukavamka) và thị tộc Dừa ở phía Bắc (Narikelavamka). Theo Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ Dân tộc học, giáo sư phụ trách khoa Các Dân Tộc Ðông Nam Á tại Ðại Học Paris, hai thị này có hai truyền thuyết dòng dõi gắn với tên loại cây của mình.

“Theo lời kể lại, một vị hoàng tử được sinh ra từ một mo dừa, làm con nuôi một vị vua, lấy một cô công chúa và sau đó được tôn lên làm vua. Không rõ vị vua này tên gì, các nhà nghiên cứu Chăm học và khảo cổ chưa tìm ra sử tích.” Câu truyện của bộ tộc Cau cũng tương tự như thế, nhưng đổi mo dừa thành mo cau, và cây dừa thành cây cau. Nếu bạn đang ngờ ngợ rằng — "gượm đã, đây không phải là nội dung của Sọ Dừa à" — thì bạn đang nghĩ đúng rồi. Người Chăm cũng sở hữu một tích truyện Sọ Dừa của riêng mình, trong ngôn ngữ của họ được gọi là Cei Balaok La-u. (Hoàng tử Sọ Dừa).

Câu truyện viết bằng chữ Chăm lần đầu được tổng hợp trong sách Contes et légendes annamites của Antony Landes — một trong những vị học giả đầu tiên nghiên cứu về truyện cổ Việt Nam. Ngày nay, truyện được nhóm các tác giả Sakaya giới thiệu trong sách Truyện dân gian của người Chăm, xuất bản năm 2017 bởi NXB Văn hoá Dân tộc.

Câu truyện có nhiều điểm tương đồng với phiên bản Sọ Dừa của người Kinh, nhưng khác biệt ở hai chi tiết. Đầu tiên, Sọ Dừa không đi chăn trâu cho phú ông, mà xin cha mẹ cho tiến cung cưới luôn con gái út của nhà vua. Vị vua sau nhiều lần thử thách sọ Dừa như chăn đàn trâu đến hàng ngàn con. Sọ Dừa xuất sắc hoàn thành, và được vua ưng chuẩn gả con gái cho.

Tiếp theo, khi cô gái út bị hai cô chị hãm hại đẩy ra biển, cô không bị cá nuốt rồi cầm dao khoét bụng chui ra. Cô gái út chết chìm, nhưng lại hoá thành một con ốc giác biển được một bà lão nhặt về nuôi. Về sau cô tìm lại được Sọ Dừa rồi sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Truyện cổ tích Sọ Dừa phiên bản Chăm cũng có những mô típ quen thuộc với phần lớn các câu truyện cổ tích của người Chăm lẫn Kinh: mang thai sinh nở thần kỳ và “lửa thử vàng, gian nan thử người.”

"Sọ Dừa" trong văn hóa Raglai: Cổ tích có trước hay sử thi có trước?

Trên lãnh thổ vương quốc Champa ngày trước, không chỉ mỗi dân tộc Chăm, mà còn có nhiều dân tộc khác cùng chung sống. Trong đó, có người Raglai sinh sống chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ. Một phiên bản khác của Sọ Dừa cũng tồn tại trong văn hóa Raglai, nhưng có tính chất rất khác so với hai phiên bản trước — đây không phải truyện cổ tích, mà là một sử thi thiết chế xã hội

Sử thi này nhắc đến một cái tên "xêm xêm" — Cei Balaok Li-u — cũng xoay quanh nhân vật chính là một chàng trai sinh thiếu tháng trong một gia đình nghèo, hình thù như trái dừa. "Biến thể" Sọ Dừa này từ nhỏ đã có chí lớn và nhiều phép thần thông, lúc nào cũng đi diệt trừ các vua ác và chằn tinh quấy phá dân làng. Trong sử thi, cậu đánh nhau 15 trận ở khắp nơi cả trên không trung, thậm chí đánh ở cả xứ người Chăm, Việt, Hoa.

Khi dẹp loạn xong, Sọ Dừa biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, sau được vua Chăm ưng gả con gái út cho. Cậu cũng kết nghĩa với một người anh em ở xứ người Việt, và gả con gái của chằn tinh (sau khi bị thu phục) cho. Cậu được vua xứ Hoa ban tặng nhiều của cải và châu báu, và cả hai cùng dân làng Raglai sống hạnh phúc về sau, không ai bị đẩy xuống biển làm mồi cho cá nữa.

Theo nghiên cứu của Sakaya và nhóm tác giả, Cei Balaok La-u của người Chăm thuộc thể loại truyện cổ kể bằng văn xuôi, còn phiên bản của người Raglai thuộc thể loại truyện hát bằng văn vần. Dựa vào kết quả giám định nội dung, các nhà nghiên cứu đã xếp Cei Balaok Liu-u người Raglai vào loại sử thi thiết chế xã hội, tức dòng sử thi về mối liên quan giữa các tầng lớp, dân tộc và nhóm cộng đồng. Tuy nhiên, sẽ là nhận định sai lệch nếu nói chàng Sọ Dừa người Chăm ra đời trước vì họ có sự hiện diện nổi trội hơn ở Nam Trung Bộ. Giáo sư Tiến sĩ Phan Đăng Nhật cho rằng:

Cei Balaok Li-u của người Raglai [...] là sự tiếp biến văn hoá. Người Chăm có thể tiếp nhận văn hoá người Raglai, cụ thể truyện Cei Balaok Li-u trong bối cảnh văn hoá và tư duy muộn nên không có tính chất thần thoại, anh hùng ca nữa. Từ đó, tác phẩm Cei Balaok La-u người Chăm chuyển hoá thành cổ tích.

Dù có mô típ và những nhân vật tương tự nhau, Cei Balaok của người Chăm và người Raglai có những dị biệt rõ nét, do sự tác động của lịch sử và điều kiện địa lý, môi trường sinh thái. Từ đó, họ phát triển câu truyện theo phong cách và lối kể chuyện khác nhau. Dù thế nào, sự tồn tại của ba phiên bản người Kinh, Chăm và Raglai đều góp phần vào tính đa dạng văn hoá của Việt Nam. Và phải chăng đó là điều chúng ta cần bảo vệ, vượt ra khỏi những tranh luận “cái nào-của ai-khi nào”?

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Từ New Orleans đến Sài Gòn: Lược sử kèn tây đám ma tại Việt Nam

Trong tất cả các thể loại âm nhạc đến từ đường phố Sài Gòn, những giai điệu đặc trưng của đội kèn tây đi kèm đám rước tang có lẽ là dễ nhận diện nhất.

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Loạt Soạt

'Truyền Kỳ Mạn Lục' kể chuyện 'drama' tam giới li kì của văn học trung đại

“Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải.”

in Thời Trang

Dự án tái hiện trang phục các nhóm dân tộc H’Mông xưa và nay của nhà sưu tầm trẻ

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Hnubflower và ekip đã cho ra đời dự án tái hiện trang phục của những cộng đồng người H’Mông ở các tỉnh.

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

in Văn Hóa

Thế kỷ 21 rồi, văn hoá cờ tướng Hà Nội có chỉ còn dành cho đàn ông?

Một “đặc sản” của Hà Nội là khung cảnh các chú, các bác tụ họp ở công viên vào độ xế chiều để đánh cờ tướng.

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...