Đà Lạt luôn luôn được ưu ái bởi thời tiết mát mẻ, không khí trong lành thoang thoảng hương gỗ thông và những triền núi xanh mướt một màu. Thành phố vùng cao nguyên xinh đẹp và hoài cổ này không chỉ là một điểm dừng chân nghỉ dưỡng, mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hoá lịch sử.
Dọc theo đường Trần Quang Diệu, đi về phía Dinh I – một trong những công trình nằm trong quần thể dinh thự mùa hè còn vẹn nguyên của vua Bảo Đại, hướng ánh nhìn sang bên trái, sẽ thấy tọa lạc một khu nhà bằng gạch uy nghi, đồ sộ. Nằm cách ga Đà Lạt không xa, tu viện bỏ hoang từ lâu này hiện đang là điểm đến của nhiều người bởi vẻ đẹp rêu phong và những câu chuyện bí ẩn đằng sau nó.
Men theo con đường đất, chẳng mấy chốc bạn sẽ đứng trước một khối những toà nhà với kiến trúc ấn tượng, nhưng cũng không tránh được những mai một của thời gian và sự thiếu vắng bóng người. Hiện nay, có rất ít tư liệu còn sót lại về dòng nữ tu Franciscaines Misionnaires de Marie (Dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ), và ở xung quanh cũng không có biển chỉ dẫn hay bảng hiệu nào.
Các thông tin trên internet về công trình này thường là những dữ liệu rất rời rạc. Theo Zing, nơi này vốn là nhà dòng đào tạo tu nữ dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ (thường được biết đến là Trường bổ túc văn hóa), sau chuyển đổi công năng thành Khách sạn Lâm Viên, đến Trường chuyên Thăng Long và sau là Trường THPT Trần Phú.
Người ta đồn rằng đã từng có một cô dâu trẻ tự vẫn ở đây. Sở dĩ những câu chuyện thực hư, bí ẩn như thế cứ truyền đi cũng là vì đến bây giờ chẳng ai biết được tu viện được xây dựng và ngừng hoạt động vào năm nào cụ thể.
Hai tòa nhà lớn ở gần trục đường chính chắc hẳn được xây để phục vụ nhu cầu thờ nguyện tâm linh. Một là nhà nguyện có cánh cửa uy nghi luôn khoá chặt. Toà còn lại có lối kiến trúc mái chóp cao và nhọn có lẽ đã từng là nơi các xơ hoặc tu sĩ sinh sống.
Hiện tại, khu nội trú trong quần thể bỏ hoang này là nơi cư ngụ của hơn 20 hộ dân nghèo. Tận dụng cấu trúc sẵn có, các gia đình ở đây chia vách thành từng căn hộ nhỏ, và thường hong khô quần áo trên những khung cửa sổ cũ kĩ, rỗng mục.
Dạo một vòng quanh tu viện, thật khó để đoán chắc rằng đâu là không gian riêng tư, đâu là không gian công cộng. Bên đây, những bức tường, nền nhà và trần nhà với chằng chịt những “vết thương” sau mấy thập kỷ hoang phế, bên kia ngay giữa căn phòng trống là một đống đổ nát. Cỏ cây lại được thể chen nhau mọc lên, nhổ bật cả nền đá lạnh, như dần muốn nuốt chửng nơi này.
Đằng sau nhà nguyện, thoai thoải về phía chân đồi là hai khu nhà có màu sắc hiện đại hơn mà tôi đoán trước đây được sử dụng như tổ hợp phòng làm việc và nơi sinh hoạt.
Hầu hết các bức tường và cột nhà ở tu viện đều bị che phủ bởi hình vẽ graffiti.
Cầu thang trong nhà dẫn đến các tòa giờ đã bị niêm phong, vì thế bạn chỉ có thể sử dụng cầu thang ngoài trời để thăm quan một số phòng ở đây. Băng qua khu vực phòng ăn trống trơ với trần nhà lỗ chỗ, nhìn y hệt một bàn cờ khổng lồ, bạn sẽ đến một căn bếp ngập ngụa trong bóng tối và mùi ẩm mốc.
Ngay phía ngoài của khu bếp là một hành lang với khung cảnh "hậu tận thế", ngổn ngang nào là bàn ghế, vật liệu xây dựng rồi cả đồ phế thải. Rải rác quanh đó là băng cassette, bảng phấn và những trang sách thiếu nhi – những manh mối gần như duy nhất về tiền thân của công trình bị bỏ hoang này.
Từ những ô cửa kính vỡ vụn, vương vãi trên sàn nhà, rừng núi Đà Lạt trập trùng thông xanh hiện ra ở phía xa. Tu viện chính là một trong những nơi chốn huyền bí nhất ở Việt Nam mà tôi từng đặt chân đến và tôi nghĩ ai tới đây cũng muốn dành hàng giờ liền để khám phá từng ngóc ngách u tối nơi này.
Hiện nay khu vực này thuộc quản lý của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Câu hỏi về tương lai của tu viện: "Liệu nơi đây sẽ được trùng tu và đưa vào sử dụng cho mục đích khác?" cũng mập mờ như chính quá khứ của nó vậy.