Ngay cả với những người không mấy mặn mà với cà ri kiểu Việt, nhà hàng Cà Ri Gà 3T vẫn là một địa điểm ăn uống đáng ghé thăm. Còn nếu là fan cứng của món ăn này thì đây sẽ là địa chỉ mà bạn chắc chắn phải ghi vào sổ tay.
Hai từ “cà ri” dễ khơi gợi lên cảm giác sợ hãi. Nỗi sợ này không giống như cảm giác lạnh sống lưng khi mò mẫm bước xuống cầu thang lúc cúp điện nửa đêm, mà đó là cảm giác bồn chồn, bụng dạ như đánh trống trước mỗi lần chơi trò cảm giác mạnh. Mồ hôi chuẩn bị túa ra để giải nhiệt cho cơ thể, các gai vị giác trong miệng đều sẵn sàng để “bốc cháy” với vị cay xé lưỡi, và não bạn bắt đầu truyền tín hiệu rằng, một chút nữa thôi, bạn sẽ được thưởng thức một tổ hợp hương vị đầy kích thích và sảng khoái đến khó tả.
Những cú hích cảm giác như vậy chính là lý do tại sao tôi yêu thích món cà ri kiểu Ấn, Thái và Nhật đến vậy. Trong ẩm thực Ấn, “cà ri” không chỉ một món ăn cụ thể nào mà là một gia đình ẩm thực — mỗi món có nguyên liệu, kỹ thuật chế biến lẫn âm hưởng vùng miền riêng biệt. Hương vị cà ri ở ba nước mỗi nơi mỗi khác, thế nhưng tất cả đều có điểm chung đó là tâm huyết của người nấu để tôn lên hương vị đặc trưng của các loại rau thơm và gia vị thường dùng ở vùng miền đó.
Trong khi đó, phiên bản cà ri Việt Nam có vị chủ đạo là nước cốt dừa với tính béo ngậy đôi lúc hơi thái quá. Nếu phải xếp hạng, thú thật rằng cà ri Việt là phiên bản tôi ít mê nhất vì quá béo và ngọt với khẩu vị của tôi. Món cà ri Việt bắt nguồn từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hai nền ẩm thực Khmer và Chăm giao thoa, kết hợp với tình yêu của người dân Nam bộ dành cho nước cốt dừa. Sự góp mặt của khoai lang, cà rốt và cà tím trong thành phần nguyên liệu khiến cho sốt cà ri càng thêm ngọt. Đây là món ăn được ưa chuộng trong các dịp hội họp gia đình như tiệc sinh nhật, đám hỏi, hay đám giỗ.
Vài tuần trước, tôi cùng các bạn đồng nghiệp tại Saigoneer ghé đến quán Cà Ri Gà 3T sau hơn nửa năm kể từ lần cuối cùng tôi ăn món này. Tôi vô tình tìm thấy quán trong một group chuyên về ăn uống trên Facebook. Khi ấy, tôi bị thu hút bởi hình ảnh món cà ri ngon miệng và cách bày trí bắt mắt của quán. 3T không phải là một quán ăn đơn sơ mà là nhà hàng hai tầng với không gian mở. Phong cách trang trí nơi đây gợi nhớ đến những quán cafe vintage ở Sài Gòn, với những chiếc quạt sắt cũ kỹ hay chiếc ti-vi thùng đầy hoài niệm được trang trí dọc quanh các bức tường sơn vàng theo phong cách Phố cổ Hội An. Trinh, chủ nhà hàng 3T, cho biết mình đã mất một thời gian dài để tìm từng món đồ trang trí vintage của quán.
Cô chia sẻ rằng không có lý do đặc biệt nào đằng sau quyết định chọn cà ri làm món chính cho quán. Đây là món ăn gia đình Trinh yêu thích và thường làm ở nhà. Với lại, nó cũng chưa quá phổ biến trên thị trường. Cô nói rằng công thức làm cà ri hiện tại của 3T là thành quả tập thể chứ không phải của riêng mình: “Món cà ri của quán có được hương vị hiện tại là nhờ công sức chung của gia đình, bao gồm bố mẹ tôi, mẹ chồng, và chồng tôi nữa. Chúng tôi cùng nhau điều chỉnh công thức nhiều lần cho đến khi thống nhất với hương vị hiện tại.”
Hiện tại, 3T chỉ phục vụ món cà ri gà; tuy nhiên, thực khách có thể chọn đùi tỏi, má đùi, lòng gà, hoặc tô thập cẩm để ăn chung với cơm, bánh mì, hoặc bún. Ngoài ra, mỗi phần ăn sẽ bao gồm rau thơm, giá, một chén dưa leo, hành chua đi kèm với muối ớt để chấm.
“Theo tôi, một bát cà ri [kiểu Việt] chuẩn trước hết là phải thơm, sau đó là đẹp mắt, và cuối cùng là hương vị phải hài hòa, cân bằng,” Trinh trả lời khi được hỏi về tiêu chí đánh giá thế nào là cà ri ngon. “Tùy vào khẩu vị riêng mà có người sẽ thích ăn cay, chua hay ngọt, và họ có thể tự thêm gia vị theo ý thích. Thế nên sự cân bằng là yếu tố quan trọng nhất. Thịt phải được ướp kỹ và mềm. Có những người thích thịt gà hơi dai một chút, nhưng nhà mình lại thích ăn thịt mềm vừa đủ. Cuối cùng, sau khi ăn xong thì không cảm thấy mệt hay lạnh người, vì đấy là dấu hiệu cho thấy đồ ăn chứa nhiều phụ gia, hóa chất.”
Mô tả trên cũng chính là những gì tôi được trải nghiệm khi ghé ăn tại 3T. Thịt gà của quán được om lâu trong nước cốt dừa nên đặc biệt mềm và dễ ăn. Một chút vị cay tê nhẹ nơi đầu lưỡi khiến phần nước sốt càng thêm đặc sắc, và tất nhiên hương vị chủ đạo của món ăn đến từ nước cốt dừa xiêm thơm ngọt, béo ngậy, quyện vào cả thịt và cơm. Khi cầm miếng đùi gà lên để cắn, nước cốt dừa sẽ bám dính trên lưỡi và các đầu ngón tay. Nhờ vị ớt cay nên tôi không cảm thấy bị ngán khi ăn, nhưng với những ai vốn yêu thích vị béo của nước cốt dừa thì chắc chắn sẽ vô cùng hài lòng.
Từ năm 2017, Trinh đã có ý định mở nhà hàng cà ri, nhưng phải mất đến ba năm để biến ý định đó thành hiện thực. Nguyên nhân là vì cô vốn khó tính trong khâu ăn uống, mỗi lần ăn cà ri ở ngoài, Trinh thấy rằng nếu không phải thịt quá khô thì lại có quá nhiều bột ngọt. Cô bắt đầu tạo ra công thức làm món cà ri của riêng mình, qua đó cũng đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của 3T sau này. Quá trình hoàn thiện công thức kéo dài nhiều tuần liền; trong suốt khoảng thời gian đó, cứ mỗi cuối tuần, bạn bè và gia đình chị lại được chiêu đãi những công thức cà ri khác nhau — từ cà ri dê cho đến cà ri hải sản.
Dù rất thường ăn cà ri suốt nhiều năm qua nhưng Trinh cho biết mình không hề chán món ăn này. Cả các bạn nhân viên làm việc cùng kể từ khi quán khai trương vào tháng 10 năm ngoái đến nay cũng vậy. Phản hồi của khách ghé đến quán cho đến nay vẫn khá tích cực: “Một số khách muốn cà ri đặc hơn hay cay hơn một chút, nhưng nhìn chung họ đều khen là quán nấu ngon.”
Trinh kể: “Hôm trước, có một khách hàng tới ăn tại quán. Không biết là nói thật hay đùa, nhưng cô ấy bảo tôi là cà ri của quán ngon bằng cà ri cô làm rồi đấy.”
Cà Ri Gà 3T mở cửa từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Đánh giá:
Hương vị: 4/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Cà Ri Gà 3T
28 Huỳnh Tịnh Của, Phường 8, Quận 3