Ẩm thực Đài Loan có lẽ là một trong những nền ẩm thực Châu Á chưa được công nhận đúng tầm nhất. Dù đã xuất hiện ở Sài Gòn từ sớm khi những thương gia người Đài đến Việt Nam kinh doanh ngay sau khi đất nước ta bước sang thời kỳ Đổi Mới năm 1986, nhưng các món ngon của nước bạn vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.
Nếu hỏi một người Việt hay một người nước ngoài đang đi trên đường về những món ăn Đài Loan ở Sài Gòn thì có vẻ là phần lớn các câu trả lời sẽ chỉ xoay quanh những cái tên như gà rán, trà sữa hay bánh bông lan castella. Từ lâu người ta đã quan niệm rằng Đài Loan nổi tiếng với các món ăn vặt nhiều hơn là các món ăn chính.
Nhưng những thứ càng “ẩn mình” thì lại càng thôi thúc người ta khám phá. Ấn tượng sâu sắc với món hàu chiên giòn và dĩa cơm thịt kho đã kéo tôi vào một cuộc nghiên cứu chuyên sâu trên Google với vốn tiếng Hoa phồn thể có hạn của mình, và nhờ đó tôi tìm thấy cả một kho báu thực sự.
Hàu Quán hay 蚵仔嫂 (Madam Oyster) nằm ngay trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo — một trong những tuyến đường thông thoáng nối giữa trung tâm Quận 1 và Chợ Lớn. Quản lý quán là hai anh em họ Từ, quê ở thành phố Gia Nghĩa, Đài Loan. Hai anh em tiếp quản nơi này từ Dì Hàu (còn được gọi là Madam Oyster), sau khi bà chủ về Đài Loan sinh sống.
“Tính cô hơi dữ và vô cùng nghiêm khắc, trong nấu ăn hay trong bất kỳ việc gì cũng vậy. Xung quanh chẳng mấy ai chịu nổi tính khí của cô. Khi còn là khách quen của quán, lần cuối cùng chúng tôi đến ăn thì chỉ còn mỗi cô quán xuyến mọi việc,” người anh lớn Sung giải thích. “Khi cô đã có tuổi và quyết định nghỉ ngơi, chúng tôi nhất chí tiếp quản.”
Chúng tôi bắt đầu trò chuyện về những khó khăn trong việc mang hương vị chính tông của ẩm thực Đài Loan đến Việt Nam, cùng lúc đó mùi thơm của các món chiên xào cũng dần lan tỏa trong không gian quán.
Anh Sung cho biết: “Chúng tôi có thể bảo đảm một số nguyên liệu như nước tương, tương ớt và sa tế được nhập khẩu từ Đài Loan. Dù cách này khiến chi phí tăng lên đáng kể nhưng tôi thấy cần thiết.”
“Khó khăn ở đây là tìm một người đầu bếp tin tưởng được,” anh Sung nói thêm. “Hầu hết người Việt không biết món ăn của chúng tôi vốn có hương vị như thế nào và chỉ nhớ sao làm vậy. Thực sự thì các gia vị dùng trong món ăn của người Hoa tương tự với ẩm thực Đài Loan nhưng tỉ lệ dùng thì hoàn toàn khác biệt.”
Sau vài phút nói chuyện thì chúng tôi không phải chờ đợi thêm nữa và được thiết đãi một bàn toàn những món ăn đặc trưng của Đài Loan.
Món hàu chiên trứng kiểu Đài Loan — gọi là o-a-chian hay or-chien ở Singapore và Malaysia — gây ấn tượng với lớp vỏ ngoài khá giòn còn bên trong là phần thịt hàu tươi ngon, dai và béo ngậy, mang đậm hương vị mặn mòi của đại dương. Đây là món ăn thường ngày của người Phúc Kiến và Triều Châu, nhưng cũng rất phổ biến ở Bangkok và đã có những phiên bản rất thành công, đến mức nhiều quán bán hàu sữa chiên trứng vỉa hè ở thành phố này đã được trao tặng sao Michelin Bib Gourmand danh giá.
Còn món hàu chiên giòn của anh Sung có thể được gọi là hàu "bỏng ngô". Hàu sau khi chiên được lăn qua một lớp gia vị gồm tiêu và muối, ăn cùng một nắm lá húng quế chiên. Món này mà có thêm bia Đài Loan để nhâm nhi thì ngon hết sẩy, ai mà không chén sạch luôn đĩa thứ hai mới là lạ.
Ngoài các món hàu, bài giới thiệu về ẩm thực Đài Loan của chúng tôi sẽ không trọn vẹn nếu không nhắc đến sanbeiji, hay gà ba chén. Nếu bạn thắc mắc "ba chén này là gì?" thì đó là nước tương, dầu mè và rượu gạo, nêm vào thịt gà sau đó đem kho trong nồi đất trên lửa lớn cho đến khi cạn nước. Ngoài ra cũng không thể thiếu gừng thái lát, vài tép tỏi và húng quế tươi để hương vị thêm phần trọn vẹn. Cái tôi thích nhất trong món ăn này là khi nhai những lát gừng hơi cháy cạnh đã thấm đẫm những gia vị đậm đà.
Quán còn phục vụ một món ăn mà hầu như người Đài Loan nào cũng quen thuộc và yêu thích — đó là cơm thịt bằm. Một chén cơm trắng chan nước sốt thịt bằm thường được dùng chung với canh, món mặn đơn giản (như lạp xưởng), và rau luộc (như rau lang). Bình dị dân dã là thế nhưng món ăn này gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người, gợi lại bao kỷ niệm tươi đẹp.
Ngoài ra, chúng tôi còn được khám phá những món ăn xứng danh mỹ vị như: bí đao hấp, canh nghêu, và món cá măng nhập khẩu từ Đài Loan được lọc xương tỉ mẩn bằng tay. Anh Sung chia sẻ: “Một con cá măng có đến hơn 200 chiếc xương nên việc lọc xương thực sự chẳng dễ dàng gì.”
Anh Hsun - em trai của anh Sung, còn tận dụng không gian của quán để mở thêm một quầy bán trà sữa mang thương hiệu Bác Đen, tên tiếng Anh là "Tan Uncle". Cách đặt tên này thể hiện lòng biết ơn đến những người nông dân trồng chè vất vả, làn da đã trở nên rám nắng sau nhiều năm làm việc trên đồi chè. Bác Đen có một chi nhánh trên đường Lê Lai, Quận 1.
Anh Hsun cho biết: "Chỉ với 26.000 đồng, bạn sẽ được thưởng thức một ly trà sữa với ba loại topping. Các loại topping được yêu thích nhất ở Bác Đen bao gồm trân châu đen, bánh flan dừa và thạch cà phê. Chúng tôi chỉ sử dụng lá trà nguyên chất và các thành phần có nguồn gốc đáng tin cậy. Vì vậy, tôi nghĩ rằng giá như thế thực sự rất hợp lý. Và đừng quên thử món sương sáo mật ong kiểu Đài Loan của chúng tôi nhé. Người Hoa ở Sài Gòn rất hay ăn sương sáo, nên chúng tôi muốn giới thiệu đến họ phiên bản của mình.”
Lâu lắm rồi tôi mới có lại cảm giác thỏa mãn với tất cả những món ăn mình nếm thử, điều này khiến tôi thấy ấm lòng mà khó có thể nói hết bằng lời. Có lẽ, cái cội nguồn người Kim Môn - Phúc Kiến trong tôi đã được đánh thức sau ba mươi năm ngủ yên. Và cũng chỉ riêng lần này thôi, tôi phải dành lời khen tặng cho cho một ly trà sữa trân châu Đài Loan chính hiệu.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá đồ ăn: 4/5 - Giá các món ăn dao động từ 50,000 VND-120,000 VND
Giá đồ uống: 6/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 5/5
Madam Oyster
922 Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM