Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Nhìn lại trận cầu lịch sử năm 1976 kết nối bóng đá hai miền Bắc-Nam

Đầu năm 1976, không lâu sau khi khói lửa chiến tranh đã tan trên đất nước, ông Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, được giao nhiệm vụ vào Sài Gòn để tổ chức một trận cầu giao hữu giữa đội bóng hai miền Bắc-Nam. Trận đấu đại diện cho tinh thần thống nhất, đoàn tụ và lý tưởng thể thao vượt lên các trên vấn đề chính trị.

 

Đây không chỉ là hoạt động chuyên môn thông thường, chuyến thi đấu này còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội lớn lao, là sứ giả của hòa bình, hòa hợp dân tộc trong những năm đầu mới giải phóng, thống nhất đất nước.Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VTC

Giữa năm đó, Hà Nội đã chọn được đội bóng sẽ đại diện thủ đô vào Sài Gòn thi đấu. CLB Tổng cục Đường sắt (TCĐS) sẽ gánh trên vai trách nhiệm và kỳ vọng này. TCĐS vừa đoạt chức vô địch Giải Công đoàn Miền Bắc và là một đại diện hoàn hảo, xứng ngang với Câu Lạc Bộ Quân đội (hay còn gọi là Thể Công) vốn đã có vị thế đáng nể.

Lựa chọn này còn mang một ý nghĩa chính trị vào thời điểm đó. Trao đổi với VTC, ông Lê Bửu cho biết: “Vì lúc đó chuẩn bị làm đường sắt Bắc-Nam, chọn đội Đường Sắt sẽ thể hiện sự đoàn kết, và hình ảnh của các cầu thủ đến từ đơn vị này thể hiện tinh thần của nhân dân lao động.”

Mặc dù không quá lo lắng về việc phải đối đầu với đội bóng của miền Nam, ban quản lý CLB Đường sắt vẫn được căn dặn phải cố gắng hết mình cho trận cầu giao hữu. Cả đội trước đó đã được cử sang Trung Quốc tham gia tập huấn và du đấu từ đầu năm, và đến giữa chuyến đi thì nhận được cuộc gọi từ chính phủ, thông báo về một “nhiệm vụ quan trọng” mà họ phải thực hiện — luyện tập hăng say hơn, chuẩn bị hết sức có thể để tiến vào Sài Gòn.

Cầu thủ Lê Thụy Hải (phải) giữ vai trò tiền vệ phòng ngự của TCĐS. Ảnh: VTC.

Một trong những thành viên trẻ tuổi hơn của đội bóng lúc bấy giờ là Mai Đức Chung, vị huấn luyện viên đã rất mát tay trong vai trò dẫn dắt một số câu lạc bộ tham gia V.League vào những năm 2000 và được giao trọng trách dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Nam trong 2017. Ông Mai Đức Chung kể lại với Báo Đồng Nai về thời khắc khi cả đội nghe tin sẽ Nam tiến cho trận đấu: “Trước khi lên đường, chúng tôi đều rất háo hức khi sắp được nhìn ngắm Sài Gòn, biết được nền bóng đá tại đó như thế nào, phải nói là vô cùng phấn khởi.”

Ngày rời Trung Quốc càng đến gần, các cầu thủ TCĐS dần cảm thấy căng thẳng và lo âu. Ông Mai Đức Chung tiếp tục kể: "Nỗi sợ lần đầu tiên đi máy bay hoàn toàn bị lu mờ bởi lời căn dặn của các lãnh đạo: Tình hình trong Sài Gòn vẫn chưa ổn định, vẫn còn nguy hiểm lắm, không ai nên đi lại một mình."

Đồng chí Võ Văn Kiệt, khi ấy là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đã hỏi ý kiến ông Lê Bửu về việc tiến cử đội bóng nào thi đấu với TCĐS. “Tôi đề xuất đội Cảng Sài Gòn. Đây cũng là đội bóng của tầng lớp nhân dân lao động và là đội bóng lớn nhất phía Nam,” ông Bửu chia sẻ với VTC.

Và như thế, trận đấu đã được ấn định: Câu lạc bộ Cảng Sài Gòn sẽ thi đấu với Câu lạc bộ Tổng cục Đường sắt tại Sân vận động Thống Nhất vào đầu tháng 11 trong điều kiện thời tiết nắng nóng khi mùa mưa đã ngớt. 

Vào một chiều thu ngập nắng, chuyến bay quân đội mang số hiệu IL12 đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, các quan chức và cầu thủ đội TCĐS nhận được sự chào đón của đại diện đến từ hai đội bóng lớn nhất Sài Gòn: đội trưởng đội Cảng Sài Gòn là Phạm Huỳnh Tam Lang cùng với đội trưởng Câu lạc bộ Hải Quan là Phạm Văn Lắm. Sau hơn 22 năm đất nước bị chia cắt, các cầu thủ hai miền cuối cùng cũng có dịp tụ hội.

Đội hình của TCĐS cho trận đấu. Một số nhân vật nổi bật phải kể đến huấn luyện viên trưởng Trần Duy Long (ngoài cùng bên trái, đứng); Lê Thụy Hải (ngoài cùng bên trái, ngồi); và Mai Đức Chung (thứ sáu tính từ trái qua, đứng). Ảnh: Báo Đồng Nai.

Ba ngày sau đó, tức ngày 7 tháng 11, tin tức về trận đấu lịch sử nhanh chóng lan truyền khắp thành phố và đã thu hút một lượng lớn người hâm mộ bóng đá đến tụ tập thành một đám đông không tưởng phía ngoài Sân vận động Thống Nhất, Quận 10. Giống như cách mà tiền đạo Mai Đức Chung tò mò về nền bóng đá miền Nam, người hâm mộ Sài Gòn cũng rất nóng lòng muốn được thấy tận mắt những cầu thủ miền Bắc, vì họ chưa hình dung được đội bóng đến từ thủ đô trông như thế nào: họ có to con hơn hay khỏe mạnh hơn không? Họ có cao hơn hay nhanh hơn không?

Sân vận động Thống Nhất nhanh chóng được lấp đầy, và sức chứa 25.000 người rõ ràng là không đủ với số lượng 40.000 người đổ về vào chiều hôm ấy. Khán giả tràn ra hết lối đi lại giữa các hàng ghế và cả đường chạy bao quanh sân cỏ. Hoàng Gia, cầu thủ chơi cho đội TCĐS trong trận đấu lịch sử ấy chia sẻ với Báo Mới: “Đó là lần đầu tiên tôi được đá trong bầu không khí hừng hực như thế; khán giả lúc đó như đổ tràn xuống sân thi đấu.” Dù mãi đến 7 giờ rưỡi tối trận đầu mới bắt đầu, nhưng sân vận động đã đóng hết các cổng từ giữa trưa. Người hâm mộ leo cả lên tường để tìm kiếm một vị trí xem bóng rõ hơn, và đường chạy quanh sân cũng chật cứng người xem. 

Sân cỏ ngày hôm đó đã chứng kiến một trận đấu vô cùng thú vị giữa hai đội bóng với hai lối chơi hoàn toàn khác biệt. Cảng Sài Gòn sử dụng đội hình 4-2-4, thích hợp với lối chơi chuyền bóng nhanh dựa trên chiến thuật của huấn luyện viên người Brazil Flávio Costa vào những năm 1950. Đại diện miền Nam chơi đầy cảm hứng và sáng tạo, phô diễn kỹ thuật cá nhân nhiều hơn là các màn phối hợp đồng đội.

Trong khi đó, huấn luyện viên Trần Duy Long của TCĐS từng học tại Trường Thể thao Kyiv (Ukraine) và tiếp thu tư duy bóng đá của các nước Đông Âu. Đội bóng do ông dẫn dắt tập trung nhiều vào lối chơi chuyền bóng dài, chuyển sang đá ở hai cánh và tận dụng mọi cơ hội ghi bàn ở cự ly cách khung thành đối phương dưới 23m. Dù có những điểm cần cải thiện, đây trên hết vẫn là chiến thuật hiệu quả, đặc biệt là với khí hậu nắng nóng của Sài Gòn thì việc các cầu thủ ít di chuyển khi không giữ bóng giúp họ tiết kiệm năng lượng cần thiết. Đội hình 4-3-3 cứng cáp này của TCĐS từng rất hiệu quả trong quá trình du đấu tại Trung Quốc trước đó.

Khi trận đấu bắt đầu, mọi đồn đoán trước đó của người hâm mộ rằng các cầu thủ những cầu thủ miền Bắc suy dinh dưỡng hay những chân sút miền Nam ốm yếu, xanh xao đã nhanh chóng biến mất. Cả hai đội đều ngang nhau về dáng vóc lẫn phong độ, tuy nhiên trung vệ Lê Khắc Chinh của TCĐS nhận định với báo Lao Động rằng: “Quả thật, đội Đường sắt lúc đó toàn những cầu thủ to cao, gần như tất cả đều trên 1m70, rất đồng đều. Ngược lại, đội Sài Gòn thì nhỏ con hơn.” Thật lòng mà nói, khó có thể chỉ ra các điểm khác biệt rõ rệt giữa các chàng trai năm ấy.

Sau trận đấu, Sân vận động Cộng Hòa được đổi tên thành Sân vận động Thống Nhất. Ảnh: Công An.

Nói về tình hình trong và ngoài sân vận động trong ngày diễn ra trận cầu, tiền vệ cánh trái là Hoàng Gia chia sẻ với Báo Mới: “Khi tiếng còi được cất lên, người hâm mộ vẫn cố gắng tiến vào cổng. Đất nước khi ấy vừa mới giải phóng, nên cả bốn con đường dẫn vào sân vận động đều có xe tăng nằm rải rác khắp nơi. Ngoài ra còn có nhiều cảnh sát đứng bảo vệ ở cả bên trong và bên ngoài sân vận động.” Khi hai đội bước ra sân, tiếng súng nổ vẫn còn rền vang trong không trung, một lần nữa được nhắc nhở các chàng trai nắm ấy về tầm quan trọng của trận cầu lịch sử này.

Đến hiệp hai, đội TCĐS đã dẫn trước hai bàn thắng và không khí bên trong Sân vận động Thống Nhất bắt đầu sôi sục. Tiền đạo Nguyễn Minh Điểm vẫn nhớ: “Đứng từ bên trong sân vận động vẫn có thể nghe thấy những tiếng nổ đằng xa. Lúc đó tôi vẫn cảm thấy rất lo lắng.” Các cầu thủ trên sân đều trở nên căng thẳng và e dè hơn. 

Trận đầu kết thúc với tỉ số 2-0 và không có sự cố nào. Cán bộ phụ trách đội TCĐS là ông Nguyễn Văn Lộc vẫn xúc động mỗi khi nhớ về tiếng còi kết thúc trận ngày hôm ấy: “Theo cá nhân tôi thì thành công lớn nhất của trận đấu là sau khi trọng tài Hồ Thiệu Quang thổi còi báo hiệu mãn cuộc và người xem khắp khán đài đứng dậy, vỗ tay nhiệt liệt để ủng hộ cả hai đội.”

Ký giả Trương Nguyễn Việt nói thêm: "Cầu thủ cả hai miền đều đã để lại trong lòng người mộ điệu Sài gòn những hình ảnh rất đẹp đẽ của tài năng, của tình đoàn kết hai miền, của tình cầu thủ...Họ nắm tay nhau bước ra sân cỏ trong tiếng hát 'Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng' đầy khí thế và chan chứa niềm vui thống nhất đất nước. Tất cả các cầu thủ thi đấu ngày ấy đều hết mình, đẹp mắt và điệu nghệ. Kết thúc trận đấu dường như không có kẻ thua người bại thường tình của sân cỏ, mà tất cả đều là người chiến thắng, tình đòan kết Bắc-Nam chiến thắng. Cho mãi đến sau này tình cầu thủ giữa họ vẫn rất đậm đà, và đặc biệt, người Sài gòn cho đến hôm nay vẫn còn nhớ như in những danh thủ vàng của TCĐS ngày ấy."

Hai lão tướng Mai Đức Chung và Tư Lê bắt tay, trao cờ giao hữu trước trận đấu giao hữu kỷ niệm trận cầu lịch sử năm 2015. Ảnh: VTC.

Ngày nay, trận cầu năm xưa vẫn mãi khắc ghi trong trái tim của người yêu bóng đá Việt Nam nói riêng và người dân cả nước nói chung. Nhiều cầu thủ có mặt trong “Trận bóng Thống Nhất” khi ấy đã trở thành huấn luyện viên, quản lý đội bóng, tiếp tục xây dựng nền bóng đá nước nhà trong giai đoạn đầu vào những năm 80 và 90. Cầu thủ Lê Khắc Chinh của TCĐS chia sẻ cùng báo Lao Động: “Thế hệ của chúng tôi nghiễm nhiên coi đây là một trận đấu không thể quên trong lịch sử. Vào lúc đó, bóng đá hai miền đều hoàn toàn không biết gì về nhau. Dù đã 40 năm trôi qua, khi nghĩ về ngày hôm đó, ký ức vẫn không hề phai mờ. Trận đấu đó giống như một nhịp cầu [kết nối cả nước lại gần nhau].”

Tháng 4 năm 2015, những thành viên của hai đội đã họp mặt trong một trận đấu giao hữu tại Sân vận động Thống Nhất, nơi đây trong lần tái ngộ vẫn không khác mấy so với 40 năm trước. Họ chia sẻ câu chuyện của mình cho nhau và quên đi hết tất cả những thăng trầm chính trị của một dĩ vãng đã xa.

[Ảnh bìa: VTV]

Bài viết liên quan

in Di Sản

Lần theo lịch sử 700 năm của một gia đình ở Hà Nội

Những con ngõ quanh co trong lòng Hà Nội vẽ nên một mê cung thật bí ẩn. Ở mỗi góc cua, ta có thể bắt gặp một khu chợ náo nhiệt, một tiệm cắt tóc bình dân, hoặc là một nhà nghỉ giá rẻ. Sức sống của thà...

in Di Sản

'Cổng Thành Gia Định' 1913: Cánh cổng dẫn vào hư không

Một số trang web du lịch cho rằng một trong những cánh cổng của Thành Gia Định xưa vẫn còn tồn tại đến nay, và nằm ở ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Phan Đăng Lưu ở Quận Bình Thạnh, gần Lăng Lê Văn Duyệt. Tuy ...

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Hồi Sóng,' nơi hồi sinh, hồi tưởng và tương tác với tiếng nói bị lãng quên trong hai cuộc Thế chiến

Với chất liệu tiền đề là những bản thu âm xưa thuộc Kho lưu trữ âm thanh của Đại học Humboldt (Berlin, Đức), hai nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn và Zach Sch đã đem lại một dự án nghệ th...

in Di Sản

Bí ẩn trại giam Chí Hòa được xây theo trận đồ bát quái giữa lòng Sài Gòn

Khám Chí Hòa hay nhà tù Chí Hòa là trại giam rộng bảy hecta nằm ở Quận 10, Sài Gòn.

in Di Sản

Bộ tranh vẽ màu nước hiếm khắc họa đời sống người Việt cách đây 400 năm

Bộ tranh cổ được vẽ vào thế kỷ 17 và 18 sau đây giúp người xem có thể hình dung rõ hơn đời sống của đất nước thời xa xưa trước khi máy ảnh ra đời.

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...