Nếu phải chọn một mùi thơm làm “quốc hương” của Việt Nam thì bạn sẽ chọn mùi hương nào? Có rất nhiều ứng viên sáng giá cho vị trí này: nào là hương sầu riêng, hương trà sen, xôi lá dứa, hay cả hương thơm nức mũi của những tép hành phi giòn rụm trong chảo dầu nóng nữa. Những món ngon này thật khó khước từ nhưng dẫu vậy tôi vẫn xin được trao vinh dự này cho trái thị, thứ quả vàng ngọc trong văn hóa Việt Nam.
Trái thị, thứ quả vàng ngọc trong văn hóa Việt Nam.
Thị có tên khoa học là Diospyros decandra. Nhìn từ bên ngoài, loại quả này không quá bắt mắt mà chỉ dung dị vậy thôi. Khi trái chín, vỏ có màu vàng nhạt, nhẵn mịn và điểm xuyết một vài chấm đen nhỏ, khác hẳn với lớp màng căng bóng của người họ hàng gần nhất là trái hồng (Diospyros kaki).
Dù vậy, hình ảnh những trái thị tròn xinh xếp đầy trong giỏ luôn mang một vẻ đẹp dịu dàng chân chất khiến tôi cảm thấy thân thương vô cùng. Ngày nay, các loại nông sản phổ biến như gạo, cà rốt hay táo hầu hết đều đã trải qua quá trình nhân giống chọn lọc suốt hàng thế kỷ, nếu không muốn nói là hàng thiên niên kỷ, để bước lên các kệ hàng siêu thị. Tuy nhiên, những loài thực vật có ít giá trị kinh tế như thị đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn bộ gen của giống loài tổ tiên, trầm lặng sống ở những miền quê bình dị, với thân cây cao, tán lá rậm và hương thơm ngọt ngào lan tỏa.
Bù đắp cho vẻ ngoài khiêm tốn của trái thị là một hương thơm diệu kỳ.
Hương thơm ấy, phải nói thế nào nhỉ? Nó ngọt như mật ong nhưng không gắt; ấn tượng như hương xoài nhưng không “nóng” như các loại trái cây miền nhiệt đới khác; có chút giống hương hoa nhài nhưng không nồng bằng. Nhẹ nhàng mà cũng nồng nhiệt, hương thơm này như một sự nhắc nhớ về cách mẹ thiên nhiên tạo nên xúc cảm đặc biệt qua khứu giác. Đôi khi não bộ của tôi không ghi nhớ kỉ niệm bằng trình tự các sự kiện mà bằng các giác quan.
Trong thùy thái dương của tôi có một tập tin mang tên "trái thị," nơi lưu giữ những ký ức thời thơ ấu luôn quấn quýt bên mẹ mình. Mỗi khi tôi chọn mở tập tin ấy, hương thơm của trái thị nhẹ nhàng tỏa ra, giống như khi tấm thiệp Giáng sinh trên tay bạn phảng phất mùi thơm ấm áp của nhũ hương.
Trong tuyển tập tạp văn Sương Khói Quê Nhà, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã so sánh việc nhìn thấy người ta bán trái thị trên đường phố Sài Gòn giống như được gặp lại một người quen cũ từ quê hương mình. Một ngày nọ, nhà văn đang lái xe ngang qua một khu chợ trong thành phố thì bỗng có một cái gì đó khiến ông khựng lại, một lực hút vô hình đã cuốn lấy ông dù chưa kịp nhận ra nó là gì. Ông chậm rãi lùi xe và đập vào mắt là một rổ thị vừa mới hái với sắc vàng như nắng mới Quảng Nam.
Có thể bạn chưa biết
Hai cây thị 600 năm tuổi tại Thành nhà Hồ, Thanh Hóa đã được nhà nước công nhận là cây di sản quốc gia.
“Bọn trẻ mua thị bỏ vào cặp sách, ngăn bàn hoặc túi áo cho thơm, hít hà chán (có khi đến ba, bốn ngày) đến khi quả thị mềm đi mới bóc ra ăn, rồi tách vỏ thị thành nhiều cánh xếp lên tường thành những bông hoa,” đó là ký ức về trái thị trong hồi tưởng của nhà văn. Còn kỷ niệm đầu tiên của tôi với loại quả này là hương thơm dịu ngọt đã ở cạnh tôi suốt một ngày bù đầu trong bài tập đại số và các phép tính. Mỗi khi giải xong một phương trình, tôi lại cầm trái thị ấy lên, áp vào mũi và hít một hơi cho đầy lồng ngực.
Trái thị bước vào văn học dân gian với mẩu truyện cổ tích quen thuộc nhất mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng từng được kể: 'Truyện Tấm Cám.' Truyện kể về cô Tấm đáng thương phải chịu đựng bao khổ cực vì mẹ con nhà Cám. Ngay cả khi có được hạnh phúc với Hoàng tử, cô vẫn bị họ bày mưu sát hại. Để rồi, khi Tấm tái sinh vào quả thị duy nhất trên cây, một bà lão hiền từ đã thỉnh cầu rằng: “Thị ơi thị à, thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn.” Trái thị rụng vào trong chiếc giỏ và được bà lão mang về nhà. Ban ngày, khi bà lão đi làm, cô Tấm bước ra từ quả thị để dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cơm nước, tối đến lại lặng lẽ bước vào quả thị. Cứ như thế cho đến khi bà phát hiện ra và giữ cô lại làm con gái của bà. Cũng nhờ đó mà cô có dịp tái ngộ với Hoàng tử và nhận lại hạnh phúc cô xứng đáng có được. Câu chuyện kết thúc có hậu với ý nghĩa rằng ở hiền ắt sẽ gặp lành và lòng tốt sẽ luôn được báo đáp.
Thị ơi thị à, thị rơi bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn.
Truyện cũng giúp khẳng định hình ảnh của trái thị trong văn hóa dân gian, vì trong tình huống này không một loại quả nào khác có thể đưa đẩy mạch truyện như trái thị. Liệu bà lão nghèo ấy có thể bỏ phí một quả xoài chín ngon lành chỉ vì bà đã hứa chỉ ngửi nó thôi không? Chắc là không rồi. Và vì thế, trong truyện Tấm Cám, đây là "vai" đã dành riêng cho trái thị, loại quả có hương thơm ngọt ngào nhưng ăn vào thì chát miệng.
Trái thị thơm ngọt ngào nhưng vị thì trái ngược.
Vì tính tò mò của trẻ con nên suốt nhiều ngày liền tôi cứ lăm le muốn ăn thử trái thị đầu tiên ấy. Mẹ tôi đã dặn đi dặn lại rằng nó không ngon chút nào đâu, nhưng đối với một đứa trẻ thích mạo hiểm và đã từng cắn thử sáp nến, xà bông và vỏ măng cụt thì những lời cảnh báo ấy đều vô hiệu cả thôi. Vậy là, tôi cắt một miếng thị và đặt lên lưỡi. Ban đầu, một làn hương ngọt ngào lan tỏa trong vòm miệng. Nhưng ngay sau đó miếng thị tiết ra chất tannin và tấn công vị giác với vị chát không thể chịu nổi. Bạn có nhớ khi ăn phải trái hồng chưa chín hẳn và cảm thấy có một lớp nhựa bám vào lưỡi mình không? Trải nghiệm của tôi giống như thế đấy và cộng thêm vị đắng ngắt của một cốc trà đặc nữa. Trái thị ấy đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời rằng phải biết kiềm chế bản thân và nghe theo lời khuyên của người lớn.
Bên cạnh vai phụ thành công trong câu chuyện dân gian, cây thị còn trao tên mình cho một ký tự thường dùng trong văn bản: dấu hoa thị. Ký tự này có tên như vậy sở dĩ vì hình dáng giống như bông hoa của loài cây này. Xung quanh nhiều đền miếu, sân đình hay lăng tẩm trên khắp đất nước, ta dễ bắt gặp những cây thị trăm tuổi sừng sững như những người bảo vệ trung thành, một số cây có tuổi đời lên đến 600 năm và được công nhận là di sản quốc gia.
Dấu hoa thị có cái tên như vậy vì giống với hình dáng bông hoa của cây thị.
Hình ảnh trái thị không chỉ giữ một vị trí đặc biệt trong kho tàng truyện cổ nước ta mà còn là một phần của cảnh sắc quê hương nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ của bao người Việt Nam. Không những thế, trẻ em yêu quý trái thị còn vì loại quả này gắn liền với dịp Trung Thu, cũng là Tết Thiếu nhi của người Việt. Cây thị bắt đầu ra trái từ cuối hè và trái thị chín dần cho đến mùa thu, vừa kịp để cùng các em nhỏ phá cỗ và rước đèn đón trăng. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết rằng thị là một trái để chơi hơn là để ăn. Tình cảm mà tôi dành cho loại quả này bắt nguồn từ ký ức tuổi thơ ở bên mẹ, và từ đó tôi luôn mua thị bất cứ khi nào nhìn thấy chúng trên phố để tặng cho bạn bè và đồng nghiệp. Món quà thể hiện lòng quý mến tôi dành cho người nhận chứ không chỉ là trái cây thông thường. Hương thơm mà tôi muốn được tôn thành “quốc hương” ấy có khả năng lưu giữ kỉ niệm như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng diễn tả rất trọn vẹn:
“Sau này tôi đi lập nghiệp phương Nam, mùa thị chín chỉ theo về trong những giấc mơ sầu xứ. Cho nên chiều hôm qua, rổ thị bày bất chợt bên chợ ven đường đã buộc tôi dừng chân, 'ngoái đầu thương dĩ vãng.' Dĩ nhiên tôi đã mua hết rổ thị đó, không ngập ngừng, không trả giá. Bởi tôi không mua một món hàng. Tôi mua kỷ niệm.”
Bởi tôi không mua một món hàng. Tôi mua kỷ niệm.
Ảnh bìa: Phan Nhi, Jessie Trần.
Graphic: Phan Nhi, Patty Yang, Hannah Hoàng, Phương Phan, Jessie Trần.