Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Giao thoa văn hoá Ấn-Việt tại đền Mariamman, ngôi đền Ấn giáo trăm tuổi ở Sài Gòn

Nhắc đến kiến trúc Ấn Độ Giáo tại Việt Nam, ta thường nghĩ đến những tòa tháp nguy nga của người Chăm còn sót lại ở Nam Trung Bộ, hoặc những chùa Khmer rực rỡ tại Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Tọa lạc giữa lòng quận 1, đền Mariamman, hay còn được người địa phượng gọi bằng chùa Bà Ấn Mariamman, là một trong ba ngôi đền Ấn Độ giáo nổi tiếng tại Sài Gòn. 

Dấu tích văn hóa Ấn

Trong văn hoá Ấn Độ, Mariamman là một vị thần mang ba nhiệm vụ: bảo trợ làng xã, bảo trợ gia đình và chữa bệnh cho người dân. Với đặc tính như một người mẹ, nữ thần có vị trí quan trọng trong hoạt động tín ngưỡng của người dân Nam Ấn Độ; tín ngưỡng này đã theo chân cộng đồng thương nhân người Ấn đến Việt Nam vào những năm 70 của thế kỷ 19.

Đến giữa thế kỷ 20, cộng đồng người Ấn tại Sài Gòn càng lớn mạnh, họ bắt đầu tái xây dựng, trùng tu những cơ sở tôn giáo còn khiêm tốn thành những đền thờ khang trang, theo phong cách kiến trúc Nam Ấn. Cùng với đền Subramariamman Swamy, đền Mariamman là một trong những công trình được họ xây dựng trong thời kỳ này.

Đi qua cánh cổng nhỏ màu ngọc lục bảo, ta bước vào thế giới thần thoại với vô số thần linh, đầy ắp triết lý thâm trầm của nền tôn giáo cổ xưa nhất nền văn minh nhân loại. Tại góc tường phía Nam, ngay sát cổng vào, ta sẽ bắt gặp một tấm gương cỡ lớn đại diện cho nữ thần Lakshmi, nữ thần của sự giàu có và thịnh vượng. Chung quanh gương là một cụm ba chiếc chuông gồm một chuông lớn và hai chuông nhỏ.

Một tín hữu phụng vụ tại đền cho hay, khi tiến hành tu dưỡng đền, cặp chuông ấy chỉ còn lại hai chiếc giá treo. Mặc dù không xác định rõ vai trò của cặp chuông, ban quan trị quyết định gắn lại hai chiếc chuông mới vào vị trí đó nhằm khôi phục nguyên trạng nhất có thể kiến trúc của đền.

Những bức tường cao và kín, ban đầu được xây dựng với mục đích bảo vệ người dân khỏi nạn xâm lăng, đã dần dần trở thành đặc trưng của đền thờ Nam Ấn. Hai cánh cổng nhỏ mở về hướng đông là lối di chuyển duy nhất để vào đền. Các cửa hông và cửa sổ đều được bịt kín, trên các bức tường cao và dày là các ô cửa thông gió be bé, chỉ lọt vừa vài tia sáng tạo nên một không gian yên tĩnh và trang nghiêm. 

Trong tập sách Văn hóa và kiến trúc phương Đông, tác giả lý giải kiến trúc Ấn Độ theo triết lý tôn giáo và quan niệm phong thủy Ấn Độ rằng cửa hướng Đông là cửa của sự sống, là lối đi dành cho người phàm. Các cửa còn lại, tuy có khung, nhưng đều bị bịt kín, gọi là cửa dụ. Do đó, hướng cửa chính có thể thay đổi tùy vào bản tính của vị thần được thờ trong đền, nhưng thường sẽ tránh hướng Nam.

Trung tâm của sảnh là điện thờ chính để thờ Bà và điện thờ phụ hai bên trái phải, thờ hai vị thần bảo hộ của Bà gọi là “Cô” và “Cậu.” Điện thờ được xây như một căn phòng nhỏ, không có cửa sổ, trong đó đặt tượng thờ. Sau khi cầu kinh, tín hữu Ấn giáo sẽ phải đi xung quanh điện theo chiều kim đồng hồ, mang ý nghĩa đi về hướng đông. 

Tuy nhiên, tín hữu Ấn giáo ngày nay, đặc biệt là tín hữu người Việt, thường không còn tuân theo “nghi thức xoay phải” này. Lối đi xung quanh điện được làm thấp hơn chính điện, được lát đá giống như nền điện thờ và được trang trí bằng 18 bức tượng cỡ nhỏ, là các hóa thân của thần Shiva.

Phía trước điện thờ chính là biểu tượng Linga-Yoni tượng trưng cho triết lý âm dương của Ấn Độ. Theo thần thoại về thần Shiva, thần xuất hiện lần đầu dưới dạng cột lửa hình dương vật. Biểu tượng Linga và Yoni biểu hiện đặc tính âm-dương của thần, sự sáng tạo và sinh sôi của vạn vật. Quan niệm âm dương vì thế được thể hiện qua kiến trúc của đền thờ. Các đền thờ Ấn Độ giáo vì thế được xây dựng theo cấu trúc hình vuông Mandala — tượng trưng cho vũ trụ và hiện thân của con người. Vị trí thờ Linga-Yoni chính là trung tâm của Mandala, là vị trí rốn của thần Brahma hoặc sinh thực khí của nữ thần.

Tập sách Legends of Devi về một số huyền thoại Ấn Độ kể rằng, sông Hằng sinh ra từ tóc của nữ thần Ganga và được gót chân thần Shiva đỡ lấy, vì vậy dòng sông là dòng nước thánh chảy từ thiên giới. Từ đó, người Ấn Độ thường xây dựng các đền thờ tại vị trí hợp lưu của các con sông. Trong trường hợp đền được xây dựng vị trí trí không có sông, giếng hoặc hồ nước nhỏ được xây dựng để thay cho nguồn nước từ sông.

Vì vị trí không phù hợp để đào giếng hay xây hồ, người ta đặt tại đền Mariamman một hòn non bộ ở đằng sau điện thờ chính, mô phỏng núi Meru và đại dương vào thời hỗn mang để minh họa cho truyền thuyết về nguồn gốc của Tam vị nhất thể tối cao của Ấn giáo — Brahman (đấng tạo hóa), Vishnu (đấng bảo hộ) và Shiva (đấng hủy diệt). Meru là một dãy núi có nhiều đỉnh, thần Vishnu ngự ở đỉnh cao nhất và các vị thần khác sẽ ngự ở các dãy thấp hơn. Hình ảnh núi Meru còn được mô phỏng trong kiến trúc tháp dạng kim tự tháp đỉnh bằng của các đền.

Không gian văn hóa của người Việt

Đền thờ có một chiếc bàn nhỏ trưng bày các loại sách về văn hóa Ấn Độ cùng thánh điển của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tại đó, du khách có thể đọc sách và ghi lại ý kiến, cảm nhận của mình vào một cuốn sổ. Với khách người Việt, họ chủ yếu ghi lại lời nguyện xin, nhiều hơn cả là lời cầu bình an cho gia đình, cầu hạnh phúc và tình duyên. Vì nữ thần có nhiều hóa thân và một trong số đó là thần bảo trợ hạnh phúc nên ngoài cầu bình an cho gia đình, người Việt cũng cầu tìm thấy đối tượng kết hôn phù hợp.

Khi được hỏi về nguồn gốc của lời truyền miệng “cầu tình duyên ở đây linh lắm,” một tín hữu phụng vụ tại đó chia sẻ với tôi rằng: “Người ta thường đến cầu bình an cho gia đình. Nhiều người xin rồi được ơn Bà, ghi lại trong sổ. Nhưng nói chung ai xin cái gì cũng được, quan trọng là phải có lòng tin.”

Trong khi đi đó, các vị khách Ấn thường ghi lại trong sổ những cảm xúc khi đến thăm đền, phần lớn vì không khí nơi đây khiến họ nhớ về quê hương. Du khách đến từ những nơi khác thì cảm thấy ngạc nhiên với phong cách trang trí và những thông tin vô cùng chi tiết, hình ảnh minh họa sinh động tại các bảng giới thiệu về tôn giáo và triết học Ấn Độ.

Đền thờ Mariamman là nơi đánh dấu sự dung hợp văn hóa giữa người Ấn và cư dân Nam Bộ trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Đến thăm ngôi đền vào một ngày thứ sáu của tháng 10, đền Mariamman có phần đông đúc hơn mọi ngày với các lượt khách ra vào không ngớt. Ấn Độ giáo dành riêng ngày thứ Sáu hàng tuần để thờ phụng Nữ thần của sự sống — Mẹ Thiên nhiên.

Bên cạnh đó, do phần lớn tín hữu lui tới đền là Phật tử, họ bắt đầu cử hành thêm các lễ vào mồng Một và Rằm âm lịch. Trái cây, hoa tươi, gạo, đường, dầu ăn là những vật phẩm được phát cho tín hữu dùng cho nghi thức cúng bái. Vật phẩm không thể thiếu là trái dừa, biểu tượng cho sự tinh khiết, bên ngoài thô cứng nhưng bên trong ngọt ngào, tượng trưng cho sự khiêm tốn và tao nhã. 

Tín hữu được khuyên không nên mua lễ vật bên ngoài vì “thiếu tinh khiết.” Suốt tuần lễ vía Bà vào tháng 10 hàng năm, đền được trang trí bằng lá dừa khô được bện thành dây, treo xung quanh sảnh thờ chính. Mỗi tín hữu đến thăm đền còn được nhận lại phẩm, gọi là lộc của Bà, bao gồm vòng hoa, gạo và muối, tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy và may mắn. Chịu trách nhiệm cho việc thờ cúng và cử hành các nghi lễ là một thần tư tế biết tiếng Phạn và tiếng Hindi.

Tín hữu đến đền thường thực hiện một nghi thức độc đáo là úp mặt vào phía sau điện thờ, chạm và vỗ nhẹ vào đá để cầu nguyện. Một vị Phật tự phụ giúp tại đền chia sẻ rằng: “Chi có người Việt mình mới làm vậy thôi, còn người Ấn đa phần chỉ hành lễ ở phía trước điện thờ trung tâm, rồi đi thắp hương xung quanh là được.”

Có lẽ vì người Việt quan niệm tiếp xúc gần thần linh là cách thể hiện đức tin và sự thành tâm nên thường cố gắng để được đến càng gần càng tốt. Một tín hữu người Việt nói với tôi rằng: “Chị thấy nhiều người làm nên chị cũng làm theo, mà làm vậy chị cũng thấy vững tin hơn.” Tượng sư tử đặt ngay cổng, là vật cưỡi của nữ thần, cũng được người dân thành kính cúng bái.

Theo suy đoán cá nhân của tôi, có lẽ người Việt đã khá quen thuộc với tín ngưỡng thờ Mẫu, nên việc thờ phụng nữ thần Mariamman đã được họ dễ dàng tiếp nhận. Từ đó, nó được dần biến đổi để phù hợp với văn hóa và thói quen thực hành tín ngưỡng của địa phương. Sau nhiều thập niên tồn tại, từ một ngôi đền phục vụ cho việc thực hành tôn giáo của người Ấn Độ tha hương, đền Mariamman giờ đây, với dáng vẻ của một ngôi đền Ấn giáo, đã trở thành nơi để cầu bình an, cầu may mắn của đông đảo người dân Sài Gòn đa văn hoá và tín ngưỡng.

Đề Mariamman toạ lạc tại số 45 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

Thi Nguyễn

in Văn Hóa

Luận về vàng mã: Khi những thể chế chính trị, xã hội đối lập va chạm nhau trong tàn lửa

Hình ảnh vàng mã, đồ cúng đã ăn sâu vào tâm trí của tôi từ trước khi tôi biết chúng là gì. Mỗi dịp đám giỗ ông ngoại, mẹ tôi lại dựng một bát hương to trước sân nhà, và chuẩn bị sẵn một xấp tiền ...

in Di Sản

Dấu ấn Sài Gòn-Gia Định qua di tích lăng miếu Tả Văn Duyệt ở Bình Thạnh

Giữa lòng quận Bình Thạnh sầm uất, nơi giao nhau của hai con đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu, lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vẫn đứng lặng lẽ, giữ nguyên nét uy nghi và cổ kính giữa dòng chảy thời g...

in Di Sản

Dấu ấn lịch sử Việt-Hàn qua ngôi đình tại Công viên Hòa Bình

Ngôi đình màu xanh ở Công viên Hòa Bình, Quận 5, từ lâu đã là một dấu mốc quen thuộc với người dân ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn.