Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Sức sống kiên cường thời kháng chiến trong nghệ thuật tuyên truyền tại triển lãm ‘Chế tác một thông điệp’

Cuộc sống hằng ngày trên chiến trường nhìn như thế nào qua ống kính của những nhà báo Việt Nam đầu tiên? Tại sao tem và tranh cổ động đầy màu sắc lại đóng vai trò quan trọng trong thời chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước? Ngoài việc phục vụ cho mục đích truyền thông, những chứng nhân lịch sử này đang kể cho chúng ta một câu chuyện lớn hơn: lịch sử đầy biến động nhưng kiên cường, và sự ra đời của một quốc gia.

Qua “Chế Tác Một Thông Điệp: Một triển lãm từ Bộ Sưu Tập Dogma,” Dogma Collection giới thiệu bộ sưu tập tranh cổ động, tác phẩm nhiếp ảnh, mặt báo, và tem, với  đa dạng chất liệu và kỹ thuật được sử dụng trong sáng tác nghệ thuật về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội và lật đổ chủ nghĩa đế quốc ở Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1985. Những thông điệp kêu gọi đoàn kết, ý chí kháng chiến và kiên cường trong chiến tranh và quá trình xây dựng đất nước được thể hiện qua các tác phẩm in khắc gỗ, tranh vẽ và nhiếp ảnh. Ngoài việc giới thiệu những ấn phẩm tuyên truyền và phản ánh những thay đổi xã hội đương thời, triển lãm còn nhắm đến việc tri ân sức sáng tạo của các nghệ nhân qua từng hiện vật lịch sử và tác phẩm nghệ thuật.

Một thoáng của báo chí thời chiến được hé lộ qua những bức ảnh và bài báo của thế hệ nhà báo ảnh Việt Nam đầu tiên thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 15 tháng 9 năm 1945. Đối lập với những hình ảnh bi kịch về bạo lực và cái chết trên truyền thông đại chúng phương Tây trong chiến tranh Việt Nam, những nhà báo Thông Tấn Xã thể hiện một tinh thần hoàn toàn khác, như “Khí thế lao động mới,” hoặc “Miền Bắc Anh Hùng thắng Mỹ trên Mặt Trận Giao Thông Vận Tải.” Đề tài chính trong những bức ảnh bao gồm những xe tải chạy trên đường mòn Hồ Chí Minh, nông dân và công nhân làm việc chăm chỉ để phục dựng lại nền kinh tế,... dù thiếu thốn trang thiết bị máy ảnh do chiến tranh, những nhà báo vẫn ghi lại được những khoảnh khắc đời thường và tinh thần bất khuất của biết bao người dân và người lính.

Di chuyển lên tầng trên, ta bắt gặp một bộ sưu tập tem ấn tượng từ năm 1946 đến 1976, kèm theo các thông tin chi tiết và lý giải về bối cảnh lịch sử. Tại đây, từng trang sổ đưa ta du hành ngược thời gian về những con tem vẽ tay đầu tiên, tem Đông Dương cũ được in chồng lên, tem mừng ngày lễ lớn và tình hữu nghị với các nước cộng sản khác. Bên cạnh đó, các con tem vẽ tay còn đi kèm với chữ ký của một số họa sĩ như Trần Huy Khánh, Đỗ Việt Tuấn, v.v.

Theo nội dung cung cấp bởi giám tuyển, hầu hết các con tem lúc bấy giờ chỉ có hiệu lực ở miền Bắc Việt Nam và một vài nơi ở miền Nam, khi đó vẫn còn bị thực dân pháp đóng chiếm. Năm 1945, chính phủ miền Bắc Việt Nam bắt đầu cho in chồng lên những lô tem Đông Dương cũ, nhưng lại không có hiệu lực trong hệ thống bưu chính quốc tế do chính quyền Hồ Chí Minh vẫn chưa được công nhận. Tuy nhiên, việc phát hành tem bưu chính cũng là một bước quan trọng nhằm tự khẳng định độc lập. Bản thiết kế tem đầu tiên được thực hiện bởi cố danh họa Nguyễn Sáng với hình ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quá trình sản xuất tem thường diễn ra ở trong nước, nhưng cũng có những lô tem được in tại Nhà in Nhà nước Litho ở Havana (Cuba) để thắt chặt tình hữu nghị giữa Cuba với miền Bắc Việt Nam.

Tem bưu chính là một mắc xích thiết yếu trong quá trình vận chuyển thư từ và tài liệu, cũng có thể là món quà lưu niệm thú vị khi ta viếng thăm một vùng đất mới. Tem cũng đóng vai trò quan trọng như những vật thể lịch sử và văn hoá, thể hiện danh tính và giá trị của một đất nước. Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam, tem cũng được tạo ra với mục đích cổ động và tuyên truyền, phản ánh những biến chuyển của tình hình chính trị xã hội. Ngoài hình ảnh của vị lãnh tụ, những đề tài khác trong tem mang yếu tố như tranh cổ động: bộ đội cầm súng, ăn mừng chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, những lời động viên đánh đuổi giặc ngoại xâm và thống nhất đất nước, phát triển nông nghiệp và kinh tế, những đặc sản địa phương và các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Đến cuối triển lãm, các tranh cổ động rực rỡ được trưng bày, đồng thời giới thiệu những nghệ sĩ vẽ tranh tuyên truyền nổi tiếng: Sỹ Thiết, Minh Phương và Dương Ánh - cựu sinh viên trường Mỹ Thuật Đông Dương, và Dương Ánh sau đó cũng là thành viên của Xưởng tranh cổ động Trung uơng (thành lập năm 1966). Tranh cổ động được xem như một vũ khí mạnh mẽ, thể hiện sự kiên cường của người Việt Nam: từ tư tưởng chống đế quốc và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đến tư tưởng về tính tập thể, bình đẳng, lao động, cải cách nông nghiệp và kinh tế thời hậu chiến.

Dù thiếu thốn các vật liệu trong thời chiến; chẳng hạn như giấy, màu, toan và lụa, các họa sĩ vẫn nỗ lực tạo ra những tác phẩm cổ động bằng mọi chất liệu có sẵn. Thay vì in ấn hàng loạt, phần lớn các bức tranh được vẽ tay tỉ mỉ bằng màu nước và màu gouache. Các họa sĩ còn tái sử dụng giấy từ những buổi học vẽ để tạo nên tranh cổ động mới. Điều này lý giải cho các bức tranh hai mặt được trưng bày trong triển lãm.

Vượt qua vai trò chính của chúng trong lĩnh vực truyền thông, nhiếp ảnh báo chí, tem bưu chính và tranh cổ động chứng minh tầm quan trọng của tay nghề thủ công trong việc xây dựng câu chuyện văn hóa và xã hội. Triển lãm cũng là giao điểm giữa lịch sử và nghệ thuật, thể hiện được tinh thần đoàn kết, bản sắc dân tộc và độc lập trong thời điểm chuyển mình của đất nước.

“Chế Tác Một Thông Điệp: Một triển lãm từ Bộ Sưu Tập Dogma” mở cửa từ 10h sáng đến 6h tối mỗi thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần đến ngày 10/1/2025 tại Dogma Collection. Thông tin về triển lãm, đặt hẹn và chương trình cộng đồng có thể được tìm thấy trên trang Facebook tại đây.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Trích or Triết

Bàn về sự giáo dục phụ nữ trong Nam Phong tạp chí qua ngòi bút Phạm Quỳnh

Đầu thế kỷ 20 ở nước ta, sự du nhập của văn hóa phương Tây cùng với cái nền sẵn có của văn hóa phương Đông đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Thứ nhất, An Nam là ...

in Di Sản

Cuộc sống dưới ách thực dân Pháp qua góc nhìn hội họa

Nghệ thuật và đạo đức: liệu chúng ta có thể tách rời hai khía cạnh này khi phân tích các tác phẩm về thời kỳ thuộc địa?

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Khám phá thế giới tranh sơn mài truyền thống qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Làm thế nào để một họa sĩ gìn giữ và tiếp nối di sản của sơn mài truyền thống qua nhiều thế hệ? Qua triển lãm cá nhân lần này, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thể hiện sự thành thạo và hiểu biết rộng lớn, cũn...